Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh hoạt động vay vốn giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập góp phần xây dựng nông thôn mới
10 năm qua, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Lai Châu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Hàng năm bên cạnh việc chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Lai Châu xác định chủ trương phải giúp hội viên, nông dân nhất là hội viên, nông dân nghèo nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Việc hỗ trợ vay vốn được thực hiện thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân và chương trình ủy thác với các ngân hàng đã giúp hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa có sự liên kết, hợp tác để giảm chi phí đầu vào, tăng giá thành sản phẩm đầu ra và tăng thu nhập cho nông dân.
Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân, cuối năm 2012, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã kiện toàn Ban Điều hành, Ban Kiểm soát Quỹ, đồng thời hàng năm đề nghị cấp bổ sung ngân sách tỉnh cho Quỹ. Để đa dạng hóa cách vận động tăng nguồn vốn, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Quyết định thành lập Ban Vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ban Vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân của 08/08 huyện, thành phố và Ban Vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân của 100% các xã, phường, thị trấn. Kết quả từ năm 2014 đến nay toàn tỉnh đã vận động ủng hộ được 5.873 triệu đồng bổ sung vào nguồn vốn Quỹ. Cùng với nguồn nhận ủy thác của Quỹ Hỗ trợ nông dân trung ương và nguồn bổ sung tăng trưởng từ kết quả hoạt động của Quỹ, đến 31/8/2019 tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt 38.899,96 triệu đồng (tăng 31.723,76 triệu đồng so với đầu năm 2013).
Với nguồn vốn trên, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đang thực hiện quay vòng cho 789 hộ vay vốn với tổng số tiền cho vay là 37.608 triệu đồng, số vốn còn lại đang xây dựng dự án, chờ giải ngân. Nhờ thực hiện tốt công tác thẩm định, lựa chọn hộ vay vốn trong triển khai xây dựng dự án nên nguồn vốn kịp thời đáp ứng nhu cầu về vốn sản xuất của nông dân giúp đồng vốn phát huy hiệu quả. Thông qua nguồn vốn Quỹ đã giúp nhiều hội viên, nông dân xây dựng thành công các mô hình nhóm hộ liên kết sản xuất, kinh doanh, điển hình như: dự án Chăn nuôi trâu sinh sản tại phường Quyết Thắng với số tiền 500 triệu đồng cho 17 hộ vay, sau 3 năm khi kết thúc dự án tổng đàn trâu đạt 80 con (tăng 50 con so với khi mới triển khai dự án); dự án Trồng, chăm sóc chế biến chè tại phường Quyết Thắng và phường Quyết Tiến với số tiền 01 tỷ đồng cho 34 hộ vay vốn đã góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm chè; dự án Nuôi trâu sinh sản tại xã Khổng Lào - huyện Phong Thổ được triển khai từ tháng 3/2014 - 3/2017 với số vốn 445 triệu đồng, sau khi kết thúc dự án tổng số đàn trâu là 45 con, tăng thêm 27 con so với lúc ban đầu triển khai dự án;... Một số dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã kết hợp được nguồn vốn Quỹ với nguồn lực hỗ trợ của địa phương như: dự án Nuôi cá Lăng trên lòng hồ thủy điện tại xã Mường Mô huyện Nậm Nhùn với 15 hộ tham gia vay 1.000 triệu đồng của Quỹ kết hợp huyện hỗ trợ làm lồng nuôi 10 triệu đồng/hộ; dự án Nuôi cá Lăng trên lòng hồ thủy điện tại xã Nậm Mạ - huyện Sìn Hồ với 10 hộ tham gia vay 500 triệu đồng của Quỹ kết hợp huyện hỗ trợ làm lồng nuôi 10 triệu đồng/hộ, hỗ trợ tiền mua giống 2 triệu đồng/hộ, tổ chức tập huấn kỹ thuật, hiện nay cá phát triển tốt, một số hộ nuôi cá đã đạt trọng lượng trên 3 kg/con... Thu nhập của các hộ vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tăng lên trung bình từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng/hộ/năm, đã đóng góp tích cực vào thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Cùng với nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp Hội tích cực thực hiện các nội dung ủy thác cho vay vốn với ngân hàng Chính sách xã hội (Ngân hàng CSXH) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ngân hàng NN&PTNT), đóng vai trò là kênh dẫn vốn hiệu quả đến với đông đảo hội viên, nông dân và nhân dân; giúp các chính sách tín dụng nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo cơ hội phát triển kinh tế cho nhiều hộ gia đình, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và làm giàu. Tính đến hết 31/8/2019, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH uỷ thác thông qua tổ chức Hội là 629.969 triệu đồng, với 457 tổ TK&VV và 15.314 hộ vay vốn; dự nợ của Ngân hàng NN&PTNT uỷ thác qua tổ chức Hội là 200.770 triệu đồng với 154 tổ vay vốn và 2.453 hộ vay. Kết hợp với hoạt động ủy thác, các cấp Hội đẩy mạnh kết hợp với các ban, ngành hỗ trợ cây, con giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, dạy nghề ngắn hạn, tham quan các mô hình trình diễn đã giúp hội viên, nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu, điển hình như: hộ ông Lò Văn Thệ - bản Chiềng Lè, hộ ông Điêu Văn Chiêm - bản Chang - Xã Lê Lợi vay vốn vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, cấp huyện, hộ ông Khoàn Văn Ngó, bản Nậm Nhùn - thị trấn Nậm Nhùn vay vốn vươn lên thoát nghèo và phấn đấu đạt hộ SXKD giỏi cấp tỉnh, hộ chị Vàng Thị Đường, bản Nà Hẻ - xã Bum Nưa - huyện Mường Tè vay vốn vươn lên đạt hộ SXKD giỏi cấp Trung ương...
Có thể khẳng định rằng, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu những năm qua đã có những đóng góp tích cực trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đặc biệt thông qua làm tốt công tác tuyên truyền, vận động giáo dục, thuyết phục để đội ngũ cán bộ Hội và hội viên nông dân nhận thức rõ và thấy được tầm quan trọng, hiểu rõ nội dung, cách làm, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng tổ chức và cá nhân trong xây dựng nông thôn mới, kết hợp với triển khai các hoạt động hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật và các nguồn lực tại địa phương và với phương châm hành động được thể hiện bằng "bốn chữ đồng": đồng lòng, đồng thuận, đồng hành và đồng tiến, thì những khó khăn, thách thức trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương cơ bản đã được giải quyết, giúp Lai Châu là tỉnh tính đến hết năm 2018 đã có 29/96 xã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Với đặc điểm là một tỉnh miền núi, biên giới với địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, trình độ dân trí còn hạn chế; các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới kinh tế kém phát triển; tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên việc duy trì các tiêu chí trong nội dung Chương trình xây dựng nông thôn mới và thực hiện xây dựng nông thôn kiểu mẫu sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời gian tiếp theo, các cấp Hội trong tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh các nội dung hỗ trợ do Hội trực tiếp thực hiện như: nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, huyện; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT để thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.