Tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân bằng các mô hình "cầm tay chỉ việc" ở huyện Nậm Nhùn của Lai Châu
Những năm qua Hội Nông dân huyện Nậm Nhùn, Lai Châu triển khai nhiều giải pháp giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, tự tạo việc làm, tăng thu nhập bằng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang tính "cầm tay chỉ việc" cụ thể...
Học hỏi áp dụng kiến thức, kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp
Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội nông dân huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) hồ hởi cho biết: Xác định rõ mục tiêu giúp hội viên nông dân thoát nghèo bền vững, vì vậy các cấp hội nông dân huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giúp hội viên thay đổi tư duy, cách làm trong phát triển kinh tế.
Nhờ đó, thời gian qua Hội Nông dân huyện đã trở thành "cầu nối" giúp nhiều hộ gia đình tiếp cận được nguồn vốn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, sản xuất theo hướng hàng hoá cho thu nhập cao. Qua đó nhiều hội viên nông dân đã thoát được hộ nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
Theo ông Tuấn, Hội nông dân không chỉ giúp hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn, hội còn ưu tiên tập trung đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm, tư vấn để nông dân xác định được hướng phát triển kinh tế phù hợp cho mình.
Ngay từ đầu năm, Hội đã lập kế hoạch thực hiện công tác phối hợp đào tạo nghề cho lao động nông dân như phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và các cấp hội thực hiện công tác tuyên truyền về học nghề và chính sách, nhu cầu học nghề của hội viên nông dân.
Bên cạnh đó, Hội chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm khuyến nông - khuyến ngư, Trạm bảo vệ thực vật… tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi và tổ chức cuộc hội thảo, tham quan, hội thảo đầu bờ cho hội viên nông dân tham gia.
Triển khai thực hiện các mô hình trình diễn về cây trồng, vật nuôi cho nông dân tham gia thực hiện. Song song với các hoạt động đó, Hội phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho hội viên nông dân.
"Nhờ thực hiện nhiều giải pháp sát với thực tế ở địa phương, nhiều hội viên nông dân đã phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình hội viên, nông dân đã vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững", ông Tuấn nhấn mạnh.
Tạo nhiều việc làm thông qua các mô hình kinh tế cụ thể
Qua câu chuyện với ông Phạm Anh Tuấn, được biết Hội Nông dân huyện Nậm Nhùn luôn xác định nguồn vốn là chìa khóa giúp nông dân thoát nghèo, thời gian qua hội đã phối hợp và quản lý quản lý 33 tổ tiết kiệm và vay vốn với 1.252 hộ vay, dư nợ là 78.124 triệu đồng. Nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân là 5.474 triệu đồng cho 106 hộ vay.
Trong đó, nguồn vốn uỷ thác của tỉnh Lai Châu thực hiện 5 dự án là 2.319 triệu đồng cho 44 hộ vay. Nguồn vốn cấp huyện thực hiện 8 dự án là 2.155 triệu đồng cho 50 hộ vay dự án chăn nuôi bò sinh sản tại các xã như Nậm Hàng, xã Hua Bum, thị trấn, Mường Mô, Lê Lợi.
Qua đó, tạo điều kiện cho hội viên nông dân mở rộng quy mô kinh doanh, sản xuất hàng hóa, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trong đó tiêu biểu như gia đình ông Lưu Văn Lẩu, Lò Văn Bóng ở xã Nậm Hàng, ông Lò A Cấu ở xã Hua Bum, Tào A Toi ở xã Trung Trải…
Đây đều là các hội viên nông dân tiêu biểu, dám nghĩ, dám làm. Từ sự giúp đỡ, đồng hành của các cấp hội nông dân họ không chỉ trở thành hội viên sản xuất kinh doanh giỏi ở thôn bản mà còn là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Lai Châu.
Theo chân cán bộ hội nông dân huyện, chúng tôi tới thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Lưu Văn Lẩu ở bản Nậm Dòn, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu). Đây là một trong số hội viên nông dân tích cực và tiêu biểu trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Tâm sự với chúng tôi ông Lẩu cho biết: Những năm trước đây, kinh tế gia đình ông gặp nhiều khó khăn, tuy làm nông nhưng chưa biết áp dụng khoa học vào sản xuất. Xoay đủ nghề nhưng nghề nào cũng "làng nhàng", hiệu quả kinh tế không cao, thu nhập rất bấp bênh.
Theo ông Lẩu, kinh tế của gia đình không khá lên được một phần cũng do thiếu vốn, thiếu công cụ sản xuất. Từ khi được sự hỗ trợ và đồng hành của các cấp hội nông dân, gia đình ông đã có điều kiện mở rộng mô hình sản xuất. Thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phương thức canh tác và chăn nuôi đã có sự thay đổi lớn.
Chỉ tay vào đàn bò hơn chục con của gia đình ông Lẩu nói: Ví như trước đây, gia đình tôi cũng nuôi bò, nhưng chủ yếu là thả rông. Từ năm 2016, gia đình tôi chuyển hẳn sang nuôi nhốt có chuồng trại. Để đàn bò khoẻ mạnh tôi tiêm vắc xin định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ thú y và trồng cỏ voi để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò.
"Tôi nuôi bò sinh sản, vì thế tôi theo dõi sức khoẻ hàng ngày cho đàn bò, ngày nào tôi cũng cắt ít nhất 2 lần cỏ cho bò ăn, nhìn đàn bò khoẻ mạnh, chạy tung tăng tôi thấy vui lây.
Ngoài đàn bò gia đình tôi còn trồng gần trăm gốc bưởi diễn và nuôi mấy chục còn lợn. Từ các mô hình đó trừ chi phí mỗi năm gia đình tôi cũng tích cóp được hơn trăm triệu đồng", ông Lẩu hồ hởi nói.
Những việc làm thiết thực của các cấp Hội Nông dân huyện Nậm Nhùn, cùng với tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên của hội viên nông dân, nhiều mô hình kinh tế mới có năng suất cao được sản xuất theo hướng hàng hoá được hình thành, mang lại thu nhập khá cho hội viên.
Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên nông dân ngày càng được cải thiện, số hộ khá giàu ngày một nhiều theo từng năm… qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên nông dân từ 3 - 4%/năm.
Nguồn: https://danviet.vn/