Anhbanner1
Đảng bộ Lai Châu 55 năm thực hiện Di chúc của Bác
Cách đây 55 năm (năm 1969), trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng. Đây là văn kiện lịch sử vô giá kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những nội dung cơ bản, cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam hôm nay và tương lai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh sau 55 năm quán triệt và triển khai thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lai Châu đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
 
anh tin bai
Bác Hồ viết Di chúc (Ảnh: Tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời cho dân tộc Việt Nam và  nhân loại. Ngày 2/9/1969, Người đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta di sản vô cùng to lớn và quý giá, đó là: tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cùng với nhiều tác phẩm có ý nghĩa thời đại và giá trị tư tưởng, nhân văn sâu sắc; đặc biệt trong đó có bản Di chúc đã tác động sâu sắc tới mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang của Người tháng 9/1969. Ngày 19/8/1989, Bộ Chính trị ra Thông báo số 151-TB/TW về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Di chúc công bố chính thức năm 1969 bảo đảm trung thành với bản gốc của Người. Di chúc của Người là một kiệt tác chứa đựng tinh thần cao cả, sâu sắc nhưng cũng rất gần gũi với dời sống hàng ngày của một nhà cách mạng, nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà giáo dục và nhà văn hóa lỗi lạc; vừa mang tính triết lý truyền thống, đồng thời cũng chỉ ra con đường tương lai; vừa là cảm nghĩ của một vĩ nhân nhưng cũng là sự đúc kết các quy luật của tự nhiên, xã hội, con người một cách đơn giản, nhẹ nhàng, kinh nghiệm, cô đọng, triết luận.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 55 năm qua thực hiện Di chúc của Người và sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Là tỉnh vùng cao biên giới, 55 năm qua Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh quán triệt và thực hiện Di chúc gắn với tiếp tục thực hiện lời Bác dặn trong thư gửi đồng bào vả cán bộ Lai Châu tháng 12/1953. Để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động thực hiện Di chúc của Bác, ngày 20/10/1969, Tỉnh ủy đã quyết định mở đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Di chúc của Bác được triển khai học tập sâu rộng từ vùng thấp đến vùng cao; quyết biến đau thương thành hành động cách mạng, anh dũng phấn đấu, hăng hái vươn lên, vượt mọi gian khổ, hy sinh quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đảng bộ lãnh đạo quân và dân trong tỉnh vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống sự phá hoại bằng không quân của dế quốc Mỹ; tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”..., góp phần cùng quân, dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Và thực hiện thắng lợi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc.

Trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Đảng bộ tỉnh luôn bám sát chủ trương, nghị quyết của Trung ương, căn cứ điều kiện đặc thù của địa phương cụ thể hóa thành các nghị quyết, chương trình, đề án về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến đấu bảo vệ biên giới, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân các dân tộc với tinh thần vừa “sản xuất, vừa chiến đấu”; khắc phục hậu quả chiến tranh; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cải tạo phong tục tập quán cũ, lạc hậu, xây dựng đời sống mới XHCN, từng bước nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc. Trong công cuộc đổi mới Đảng bộ xác định được hướng đi đúng trong phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế theo hướng: nông - lâm - công nghiệp khai khoáng, chế biến và dịch vụ, tập trung đầu tư vào một số vùng trọng điểm nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế tại chỗ, gắn với tăng cường khối đoàn kết các dân tộc, tạo ra những chuyển biến quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đã hình thành một số vùng chuyên canh, trồng cây đặc sản, mô hình trang trại, gia trại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt sau 20 năm chia tách, thành lập tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 13%/năm; năm 2023 thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 2100 tỷ đồng, tăng gấp 62 lần; tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt 47,45 triệu đồng, tăng hơn 18 lần so với năm 2004. Tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh, theo Quyết định số 2363/QĐ-UBND, ngày 28/12/2023 về phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh năm 2023 thì tỉnh Lai Châu chỉ còn trên 23% hộ nghèo. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng với tốc độ khá nhanh. Đến nay, 100% xã có mặt đường cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã, phường, thị trấn và trên 96% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn tỉnh đạt trên 96%; có trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; diện phủ sóng dịch vụ mạng di động, viễn thông, internet được mở rộng đến hầu hết các thôn, bản. Tỉnh đã có 39/96 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Giáo dục - Đào tạo phát triển; hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố; chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân được nâng lên. Các hoạt động thông tin, báo chí, phát thanh - truyền hình, văn hoá, văn học - nghệ thuật, thể dục - thể thao từng bước phát triển. Đời sống vật chất và văn hóa tinh thần Nhân dân các dân tộc được nâng cao.

Công tác bồi dưỡng xây dựng lực lượng cách mạng cho đời sau, được Đảng bộ quán triệt sâu sắc và luôn quan tâm thực hiện. Thường xuyên giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Trong từng giai đoạn cách mạng, tổ chức triển khai nhiều hoạt động, phong trào cách mạng để đoàn viên, thanh niên rèn luyện, phấn đấu, xung kích, tình nguyện; có ý chí vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp. Nhiều tấm gương thanh niên vượt khó làm giàu chính đáng, thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, mong muốn được tin tưởng, được cống hiến cho quê hương, đất nước. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm. Hằng năm có hàng ngàn lượt cán bộ, đảng biên, công chức, viên chức được cử đi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Cùng với đó, công tác giáo dục - đào tạo trong các trường phổ thông cũng được chú trọng. Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, đề án về phát triển giáo dục - đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn cách mạng. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư; đội ngũ cán bộ, giáo viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2023 toàn tỉnh có trên 210 trường đạt chuẩn quốc gia; chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Tính đến hết tháng 12/2022, tỉnh đạt chuẩn và giữ vững chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 106/106 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 trở lên. Công tác chăm lo bồi dưỡng cho thế hệ trẻ đã góp phần quan trọng từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển của địa phương.

Thực hiện Di chúc của Bác về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Những chủ trương lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng triển khai thực hiện đồng bộ, bằng những biện pháp thiết thực. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên có sự đổi mới, phù hợp với yêu cầu trong từng giai đoạn cách mạng, chất lượng, hiệu quả từng bước được nâng lên. Đặc biệt, Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thực chất việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm; xây dựng và thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý; thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống.

Công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên được quan tâm. Nếu như năm 1969 toàn Đảng bộ tỉnh có 19 đảng bộ, 196 chi bộ cơ sở nông thôn với 2.845 đảng viên, thì đến tháng 6/2024 Đảng bộ Lai Châu (mới) đã có 12 Đảng bộ trực thuộc, 918 tổ chức cơ sở đảng, 1.873 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, với trên 31.200 đảng viên (năm 2015 Đảng bộ tỉnh đã hoàn thành mục tiêu 100% thôn, bản, tổ dân phố, trạm y tế, trường học có chi bộ). Chất lượng đảng viên từng bước được nâng lên; thực hiện tốt công tác quản lý đảng viên; chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, gắn với thường xuyên rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Kết quả đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên được nâng cao qua từng năm; năm 2023, toàn Đảng bộ có trên 92% tổ chức cơ sở Đảng và trên 95%  đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có tổ chức đảng yếu kém kéo dài. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được nâng lên. Bản lĩnh chính trị của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng lên, quyết tâm vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ; luôn quan tâm đến lợi ích của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Nhân dân và đoàn kết quốc tế, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm chăm lo xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, lãnh đạo Nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng; đồng thời là cơ sở xây dựng khối đoàn kết các dân tộc, tuyên truyền, vận động Nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh làm thất bại âm mưu chia rẽ khối đoàn kết dân tộc của kẻ thù, giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc. Xây dựng tốt mối quan hệ với các địa phương các nước láng giềng, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Đặc biệt là sau khi chia tách, thành lập tỉnh, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, đẩy lùi các tiêu cực xã hội, các hủ tục lạc hậu, xây dựng Lai Châu ổn định và từng bước ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, tình trạng kém phát triển và thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc.

Kỷ niệm 55 năm ngày mất và 55 năm thực hiện Di chúc của Bác mỗi cán bộ, đảng viên hãy đề cao tinh thần trách nhiệm “tự soi”, “tự sửa” để hoàn thiện mình hơn, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy truyền thống đoàn kết xây dựng Lai Châu ổn định và phát triển bền vững, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện mong ước của Bác: Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu./.
Nguồn bài viết: Trang thông tin điện tử Tỉnh ủy Lai Châu
Đặng Thanh Sơn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
THƯ VIỆN VIDEO
Phó Chủ tịch Hội NDVN Nguyễn Xuân Định gợi mở 5 vấn đề tại ĐHĐB Hội Nông dân tỉnh Lai Châu
  • Phó Chủ tịch Hội NDVN Nguyễn Xuân Định gợi mở 5 vấn đề tại ĐHĐB Hội Nông dân tỉnh Lai Châu
  • Hướng tới giải Marathon báo Tiền phong lần thứ 64 tại tỉnh Lai Châu
  • Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đối thoại với hộ sản xuất kinh doanh giỏi và cán bộ, hội viên nông dân
  • Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (Part 02)
  • Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (Part 01)
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

HỘI NÔNG DÂN TỈNH LAI CHÂU

Trụ sở cơ quan: Tầng 6, Nhà C, Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh Lai Châu

Điện thoại: 02133876428     Fax:

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Trịnh Văn Tám - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Giấy phép số: 47/GP - TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lai Châu cấp ngày 24/08/2020

Ghi rõ nguồn khi sử dụng thông tin trên website này

Email: bbthndlaichau@gmail.com - Website : http://hoinongdan.laichau.gov.vn/ - Facebook: https://www.facebook.com/hoinongdantinhlaichau/

Đăng nhập hệ thống

Chung nhan Tin Nhiem Mang