Phủ xanh các diện tích đất nương sản xuất kém hiệu quả, cây quế tại xã Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn) đang dần khẳng định vị trí cây trồng mang lại thu nhập ổn định, từng bước giúp người dân giảm nghèo bền vững.
Bản Táng Ngá (xã Nậm Chà) là bản duy nhất của huyện có 100% đồng bào dân tộc Cống sinh sống. Đến thăm bản, ấn tượng đầu tiên 2 bên đường dẫn đến trung tâm bản những cây quế xanh tốt, có chiều cao từ 3 – 4m. Những năm gần đây, cây quế đã dần thay thế cho những cây trồng cũ kém hiệu quả, mang lại nhiều tín hiệu vui cho bà con dân bản. Đồng chí Hùng Văn Sinh – Bí thư Chi bộ bản Táng Ngá cho biết: “Năm 2017, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện triển khai dự án trồng rừng đến bà con dân bản với giống cây trồng là cây quế. Do là giống cây mới nên nhiều hộ dân còn e dè, chưa tin tưởng nhiều vào hiệu quả mang lại. Vì vậy, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cán bộ, đảng viên tiền phong, gương mẫu đi đầu nên đã có 70 hộ trong bản đăng ký 38,7ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng quế. Do hầu hết diện tích trồng là đất nương sắn, ngô gần đường giao thông nên việc triển khai trồng có nhiều thuận lợi. Với tỷ lệ cây sống đạt 80%, sau 4 năm trồng, cây quế của bà con dân bản đạt đường kính thân cây khoảng 10cm, cao từ 3 – 4 mét. Đã có đơn vị thu mua liên hệ với hộ gia đình hợp đồng mua các diện tích quế với giá hàng trăm triệu đồng. Với những tín hiệu ban đầu, bà con dân bản tin tưởng cây quế sẽ đem lại thu nhập cao”.
Người dân bản Táng Ngá (xã Nậm Chà) chăm sóc cây quế.
Được biết, cây quế triển khai trồng tại xã Nậm Chà trong 3 năm từ 2017 – 2019, tập trung ở 2 bản: Táng Ngá và Nậm Chà với tổng diện tích hiện có là 56,7ha. Được trồng theo dự án phát triển rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện làm chủ đầu tư, theo hình thức bà con đăng ký góp đất, đơn vị cấp miễn phí giống và hướng dẫn trồng chăm sóc; mỗi hécta đất đăng ký được hỗ trợ 6 triệu đồng tiền chuyển đổi. Toàn bộ diện tích trồng quế là đất nương đồi trước đây bà con dùng để trồng cây lương thực phục vụ chăn nuôi, sau nhiều năm đã cho năng suất kém. Ông Vũ Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Nậm Chà cho biết: “Xã tạo điều kiện tốt nhất cho đơn vị đầu tư và người dân thực hiện dự án trồng quế, hỗ trợ bà con làm các thủ tục chuyển đổi đất nhanh gọn. Phối hợp với cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc cây quế. Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc khiến một số diện tích cây quế bị chết hoặc kém phát triển. Vì vậy, chúng tôi chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của xã, bản lồng ghép việc tuyên truyền công tác chăm sóc cây quế vào các buổi sinh hoạt, họp bản. Nhờ đó, bà con chú ý tới kỹ thuật chăm sóc, các diện tích quế tiếp tục phát triển tốt".
Hiện các diện tích quế trồng từ năm 2017 – 2018, cây phát triển tốt, các diện tích trồng sớm cây đã có thể cho thu hoạch cành lá, tuy nhiên trên địa bàn chưa có đơn vị thu mua cành lá làm tinh dầu nên bà con bỏ sau khi cắt tỉa. Thời gian gần đây, đã có đơn vị thu mua đến liên hệ đặt mua một số diện tích với giá từ 800 nghìn – 1 triệu đồng/cây, hợp đồng thanh toán khi cây đủ điều kiện thu hoạch (sau 8 – 10 năm trồng). Với mật độ 5.000 cây/ha hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu lớn cho bà con. Anh Lý Văn Chém ở bản Táng Ngá cho biết: “Gia đình tôi có 0,8ha cây quế trồng được 4 năm, đầu năm 2021 đã có đơn vị đến đặt mua toàn bộ diện tích với giá 300 triệu đồng. Nhưng nhận thấy lợi nhuận chưa cao, nếu chăm sóc tiếp đến năm được thu hoạch sẽ mang lại số tiền lớn hơn nên gia đình không bán”.
Nhận thấy giá trị lớn từ cây quế, năm nay bà con bản Táng Ngá tiếp tục đăng ký trồng thêm 50ha quế. Hiện, công tác phát dọn thực bì đã hoàn tất, chuẩn bị đào hố và triển khai trồng vào đầu mùa mưa (tháng 5 – 6) sắp tới. Với kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây quế những năm qua, bà con tin tưởng lần trồng này tỷ lệ cây sống sẽ đạt cao và cây sinh trưởng tốt hơn.
Ông Vũ Văn Hiếu – Chủ tịch UBND xã Nậm Chà cho biết thêm:"Không chỉ phủ xanh các diện tích đồi trọc, tăng tỷ lệ che phủ rừng cho xã, cây quế còn mang lại nhiều niềm vui về giá trị kinh tế cho bà con. Chính quyền xã tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất giúp bà con đăng ký chuyển đổi đất sang trồng quế và cử cán bộ chuyên môn phối hợp trong công tác triển khai. Qua đó, tiếp tục mở rộng diện tích cây quế mang lại giá trị kinh tế cho bà con”.
http://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/c%C3%A2y-qu%E1%BA%BF-%E1%BB%9F-n%E1%BA%ADm-ch%C3%A0