Cuối 2019, Hợp tác xã (HTX) nông sản Lai Châu ký hợp đồng liên kết với người dân một số xã trên địa bàn huyện Phong Thổ trồng cây mía. Được đơn vị cam kết bao tiêu sản phẩm, bà con yên tâm sản xuất, cùng nhau phát triển kinh tế trên đồng đất quê hương.
Anh Nguyễn Trung Dũng – Phó Giám đốc HTX Nông sản Lai Châu hướng dẫn người dân chăm sóc mía.
Thời điểm chúng tôi đến, người dân các bản: Xin Chải, Lèng Xuôi Chin, Tả Lèng (xã Hoang Thèn) đang tấp nập chọn lựa, thu gom những ngọn mía chuẩn bị cho đợt trồng mới. Khi được hỏi, ai cũng phấn khởi vì cây mía được đưa vào canh tác trên diện tích đất kém hiệu quả, nhất là sản phẩm có đầu ra ổn định.
Anh Nguyễn Trung Dũng - Phó Giám đốc HTX nông sản Lai Châu cho biết: Để giúp bà con tiếp cận với dự án, chúng tôi đã cung cấp giống, phân bón, bạt che phủ, hỗ trợ máy làm đất để việc xuống giống được đồng loạt. Sau thời gian trồng, cây mía trên vùng đất này đã cho tín hiệu khả quan. Vụ mía năm 2020 đạt 107 tấn/ha vượt kế hoạch 7 tấn/ha. Nhờ đó, đã tạo động lực thu hút nông dân trong huyện tích cực tham gia trồng, mở rộng diện tích từ 16ha (năm 2020) lên 75ha (năm 2021), riêng xã Hoang Thèn 66ha. Cây mía có khả năng chống hạn cao, không bị sâu bệnh. Trồng 1 lần cho thu hoạch 5 năm, từ năm thứ 2 bà con đầu tư ít và không phải trồng lại. Trong thời gian 5 năm thực hiện hợp đồng, HTX nông sản Lai Châu cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con.
Diện tích mía hiện nay ở xã Hoang Thèn được trồng trên đồi đất bạc màu, hoang hóa, thiếu nước tưới. Phương thức canh tác là đánh luống, rạch, hạn chế xói mòn rửa trôi đất. Nhằm đảm bảo chất lượng mía, HTX nông sản Lai Châu mua giống mía roc10, roc22 từ tỉnh Sơn La về cung ứng cho người dân. Trước khi trồng cán bộ kỹ thuật của đơn vị hướng dẫn bà con cách trồng, bón phân, chăm sóc, cách phát hiện dấu hiệu một số loại sâu bệnh thường gặp trên cây mía, để kịp xử lý.
Dẫn chúng tôi thăm diện tích mía được trồng trước tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, anh Phàn Ngọc Sơn ở bản Lèng Xuôi Chin (xã Hoang Thèn) chia sẻ: Nhiều năm trước, trên những quả đồi này, từng có gia đình trồng lúa, sắn nhưng vì đất bạc màu, thiếu nước rồi bị chuột cắn phá, nên bà con ngừng canh tác. Sau nhiều năm bỏ hoang, cỏ tranh mọc um tùm, thấy không thể trồng được hoa màu nữa, các gia đình đã dắt trâu ra chăn thả. Năm ngoái khi địa phương thông báo trồng mía, có sự hỗ trợ, liên kết của HTX nên gia đình tôi trồng 2.000m2. Cuối năm trừ chi phí do HTX đầu tư, gia đình tôi thu về được 25 triệu đồng. So với trồng ngô, sắn, thì trồng mía nhàn hơn. Vui nhất là khi thu hoạch, HTX nông sản Lai Châu điều xe đến tận nương thu mua, bà con không phải lo mối tiêu thụ như việc trồng cây tự phát khác. Trong khi đó còn giảm được công sức lao động, thời gian vận chuyển. Tôi thấy sự phối hợp làm kinh tế này mang lại lợi nhuận ổn định cho nông dân.
Tương tự, năm 2020 gia đình anh Giàng A Sình bản Tả Lèng trồng hơn 1.000m2 mía. Được HTX nông sản Lai Châu bao tiêu sản phẩm, anh yên tâm khi mở rộng diện tích mía. Năm nay gia đình anh trồng 4.000m2. Ngay từ đầu mùa, anh Sình thuê thêm người trong bản làm cho kịp thời vụ. Đến thời điểm này, gia đình anh Sình đã hoàn thành việc xuống giống.
Anh Vũ Hữu Lưỡng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết: Huyện đang quy hoạch vùng trồng mía là Hoang Thèn, Mù Sang, Nậm Xe, Huổi Luông. Sự liên kết giữa HTX với người nông dân sẽ tạo động lực cho bà con tăng gia sản xuất. Nhận thức về sản xuất an toàn, chất lượng sản phẩm theo đơn đặt hàng được nâng lên. Việc sản xuất nông sản sẽ có định hướng hơn.
Ngoài trồng thêm diện tích mía ở thôn Đoàn Kết, thị trấn Phong Thổ, HTX nông sản Lai Châu còn liên kết trồng mía tại thành phố Lai Châu, các xã: Sơn Bình, Bản Giang, thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường). Dự kiến khoảng 3 năm tới đơn vị triển khai từ 5.000 - 7.000ha mía trên phạm vi toàn tỉnh. Sản phẩm được xuất thô sang Trung Quốc. HTX nông sản Lai Châu cũng đã ký kết với đối tác thực hiện dự án trong vòng 20 năm. Đây cũng là tin vui cho người nông dân có thể gắn bó với cây mía trong thời gian dài, bớt nỗi lo về đầu ra cho sản phẩm.
Theo cơ quan chuyên môn, trong năm đầu tiên cây mía cho sản lượng thấp nhất, từ năm thứ 2 - 4 cho sản lượng cao hơn. Sau 5 năm phải thay gốc, tuy nhiên rạch đã có sẵn bà con không phải làm lại. Hy vọng với mô hình liên kết này, người dân có cơ hội phát triển kinh tế, góp phần hoàn thành tiêu chí thu nhập xây dựng nông.