Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” (gọi tắt là phong trào) được hội viên, nông dân xã Tà Mung (huyện Than Uyên) hưởng ứng nhiệt tình, cụ thể hóa bằng những mô hình kinh tế hiệu quả, sáng tạo. Nhờ đó, hết năm 2020, xã có 67 hộ đạt danh hiệu SXKDG các cấp.
Chúng tôi cùng cán bộ Hội Nông dân (HND) xã Tà Mung đến thăm mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của gia đình hội viên Hảng A Páo (bản Hô Ta) - một trong những hộ đạt danh hiệu SXKDG của xã. Khi ấy, anh Páo vừa đi cắt cỏ về. Dẫn chúng tôi xuống khu chuồng nuôi cách nhà khoảng 50m, anh Páo chia sẻ: Tôi nuôi trâu, bò được 2 năm, nguồn thu cũng đạt 100 triệu đồng/năm. Riêng năm 2020 đã bán 3 con. Được cán bộ Hội động viên rồi thấy nhiều hộ ở các xã khác làm giàu nhờ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, vợ chồng tôi quyết định vay nguồn vốn giải quyết việc làm 50 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xây dựng chuồng trại và mua con giống. Bây giờ gia đình đang chăm sóc 4 con trâu, 15 con bò.
Đảm bảo thức ăn cho đàn gia súc, anh Páo trồng gần 2ha cỏ voi. Ngoài ra, trồng 1ha ngô và 6 sào lúa, mỗi vụ thu 50 bao thóc và 5 tấn ngô hạt/năm. Trong chăn nuôi, anh chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại, che chắn khi mưa rét và đảm bảo dinh dưỡng, thức ăn đầy đủ. Nhờ đó, đàn trâu, bò khỏe mạnh, béo tốt, dễ bán hơn so với một số hộ khác trong bản. Không dừng lại ở đó, tận dụng diện tích đất khai hoang, vợ chồng anh Páo còn trồng 4.000m2 chè (năm 2017), đến nay đã cho thu hoạch, mỗi tháng thu về khoảng 400 nghìn đồng. Một năm, bình quân thu nhập của gia đình anh Páo trên 100 triệu đồng.
Nông dân bản Hô Ta (xã Tà Mung, huyện Than Uyên) tích cực nuôi trâu, bò vỗ béo để tăng thu nhập.
Cũng giống anh Páo, anh Mùa A Chú (bản Đán Tọ) đầu tư phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi lợn kết hợp bán hàng tạp hóa và làm dịch vụ xay xát. Trong khi nhiều hộ dân trong bản, trong xã có lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi thì lợn của gia đình anh Chú vẫn khỏe mạnh, phát triển tốt. Để làm được như vậy, khâu phòng bệnh, chăm sóc luôn được vợ chồng anh chú trọng thực hiện. Anh cũng hạn chế người ngoài tiếp xúc với khu vực chuồng nuôi. Mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 4 tấn lợn hơi, hiện gia đình anh tiếp tục tăng đàn từ nuôi lợn nái đảm bảo nguồn con giống phục vụ nuôi thương phẩm. Trong chuồng duy trì thường xuyên hơn 10 con lợn. Song song với đó, anh nhập một số mặt hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong bản. Mỗi năm, gia đình anh thu hơn 80 triệu đồng.
Hội Nông dân xã Tà Mung có 704 hội viên sinh hoạt tại 11 chi hội. Những năm qua, Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia phong trào; chủ động chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện gia đình và nhu cầu thị trường. Đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao: chanh leo, lúa chất lượng cao, chè, mắc-ca vào sản xuất và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khâu làm đất, chăm sóc; nhân rộng mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại.
Đồng chí Nguyễn Thị Vân – Chủ tịch HND xã Tà Mung cho biết: Hội cũng triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế; đào tạo nghề nâng cao kiến thức. Trong năm, Hội phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Giáo dục nghề nghiệp huyện mở 5 lớp chăn nuôi và dệt thổ cẩm với 150 học viên tham gia tại các bản: Đán Tọ, Hô Ta, Khá, Xoong và Lun 1, 2. Hiện nay, Hội có 344 hộ vay vốn ở 6 tổ với tổng dư nợ qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện gần 11 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo các chi hội vận động hội viên, nông dân phát huy tinh thần "tương thân, tương ái" giúp đỡ nhau thông qua trao đổi, phổ biến kinh nghiệm làm ăn; giúp nhau cây, con giống, sức kéo, ngày công lao động; hộ khá giúp đỡ hộ khó khăn. Tinh thần đoàn kết trong hội viên, nông dân nâng lên, thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển. Năm 2020, toàn xã có 67 hộ đạt danh hiệu SXKDG, trong đó cấp huyện 17 hộ, cấp xã 50 hộ.
Nhờ sự chủ động của hội viên, nông dân và hỗ trợ của HND xã đã góp phần thúc đẩy kinh tế Tà Mung phát triển, xuất hiện nhiều mô hình, điển hình làm kinh tế giỏi, mỗi năm thu nhập 100 triệu đồng như: Vàng Văn Thượng ở bản Tà Mung với mô hình trồng trọt, chăn nuôi kết hợp với kinh doanh dịch vụ ăn uống; Hảng A Páo với mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo... Đời sống của Nhân dân nâng lên rõ rệt; nhiều gia đình hội viên nghèo có thêm động lực vươn lên. Hiện nay, thu nhập bình quân của xã đạt 29 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 38,21%.