Ka Lăng là xã vùng cao, biên giới của huyện Mường Tè, tính đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn trên 39%. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra mục tiêu giảm nghèo trên 5%/năm, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14%, thu nhập bình quân đầu người 35 triệu đồng/năm. Để đạt được mục tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền xã Ka Lăng đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, hiệu quả.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Khoàng Sỳ Chừ - Chủ tịch UBND xã Ka Lăng cho biết: Xã có 8 bản, 2.300 nhân khẩu, với hai dân tộc Hà Nhì, La Hủ cùng chung sống (dân tộc Hà Nhì chiếm trên 90%). Kinh tế của người dân lệ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Trên cơ sở kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của huyện, xã đưa ra giải phát phát triển kinh tế: tập trung sản xuất lương thực, sử dụng khai thác hiệu quả các công trình thuỷ lợi, đảm bảo tưới tiêu cho 100% diện tích ruộng. Đẩy mạnh khai hoang 1ha/năm, tích cực vận động Nhân dân đầu tư thâm canh tăng vụ, tăng năng suất, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm; tập trung chuyển đổi cơ cấu giống trong sản xuất, tích cực vận động Nhân dân sản xuất vụ đông xuân. Tăng cường bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, khoanh nuôi tái sinh rừng, rừng phòng hộ, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, khuyến khích chăn nuôi theo mô hình trang trại, nhóm hộ gia đình. Tổ chức quy hoạch khoanh vùng chăn thả đàn gia súc tập trung theo từng bản; chăm sóc, chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, phấn đấu đến năm 2025 tổng đàn gia súc đạt khoảng 1.600 con. Trong đó, đàn trâu trên 600 con, đàn bò khoảng 120 con, đàn lợn đạt trên 1.500 con, dê 70 con...
Nhân dân xã Ka Lăng phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Chủ trương phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo của cấp ủy, chính quyền xã được các bản, bà con triển khai hiệu quả. Ông Lù Ha Tư - Trưởng bản Lò Ma cho biết: Bản có 33 hộ, khoảng 170 nhân khẩu, 100% là dân tộc Hà Nhì. Thực hiện định hướng phát triển kinh tế của xã, dân bản thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ bằng cách đưa giống lúa, ngô năng suất cao canh tác tại diện tích ruộng nương của bản. Đồng thời, thực hiện tốt công tác chăm sóc bảo vệ rừng gắn với trồng cây dược liệu dưới tán rừng và trồng mắc-ca. Nhờ đó, gần 650ha rừng và trên 15ha cây thảo quả luôn được đảm bảo an toàn, thu nhập ổn định hàng năm. Dân bản đã trồng mới gần 30ha cây mắc-ca, trên 25ha cây sa nhân tím; chăm sóc tốt 50ha cây sả. Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại bản chỉ có 3 hộ nghèo, chiếm gần 10%; thu nhập bình quân đạt trên 27 triệu đồng/người/năm.
Chị Lỳ Mì Nu (ở bản Mé Gióng) chia sẻ: Hằng năm, gia đình tôi và dân bản đều được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, chỉ tính riêng năm 2020 gia đình tôi được nhận gần 20 triệu đồng. Được cán bộ xã, bản tuyên truyền, chúng tôi thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng và triển khai trồng trên 1ha cây sa nhân tím dưới tán rừng. Bên cạnh đó, trên diện tích 4.500m2 ruộng, vụ mùa gieo cấy lúa còn vụ đông xuân trồng ngô. Nhờ đó, lương thực của gia đình luôn được đảm bảo và còn có ngô để làm thức ăn cho chăn nuôi. Hiện, đàn trâu bò của gia đình tôi (7 con) được chăn nuôi tập trung tại khu chăn thả của bản, hàng năm cán bộ thú y xã đều triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc của bản. Từ phát triển chăn nuôi, trồng trọt, gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong giai đoạn 2018-2020, xã Ka Lăng đã vận dụng linh hoạt những nguồn hỗ trợ của Nhà nước như: 30a/CP, 135/CP, Nghị quyết 51 (về phát triển kinh tế xã hội các xã biên giới) đầu tư gần 4 tỷ đồng hỗ trợ Nhân dân trồng mới trên 45ha cây mắc-ca, trên 80ha sa nhân tím, chăm sóc tốt trên 100ha cây thảo quả; thực hiện 2 mô hình phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Nhờ đó, đến nay toàn xã có trên 130ha mắc-ca, 150ha sa nhân tím; đàn trâu, bò lên đến gần 700 con. Thực hiện chủ trương chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng, tổng diện tích khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng hiện nay trên 10.581ha, tỷ lệ che phủ rừng 76,42%. Tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2019 và 2020 trên 22 tỷ đồng.
Từ việc đưa ra những giải pháp cụ thể cùng sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân là cơ sở để xã Ka Lăng thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 14%. Qua đó, góp phần xây dựng vùng biên cương nơi thượng nguồn sông Đà vững bền, giàu đẹp.
Nguồn: http://baolaichau.vn/