90 Năm chặng đường lịch sử Hội Nông Dân Việt Nam; 46 năm xây dựng và trưởng thành Hội Nông dân tỉnh Lai Châu
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thường trực Trung ương Hội chụp ảnh lưu niệm với đoàn Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Lai Châu về dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023
* 90 Năm chặng đường lịch sử Hội Nông Dân Việt Nam
Cách đây 90 năm Nông hội đỏ, tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam, tổ chức chính trị của giai cấp nông dân chính thức được thành lập. Trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tập hợp động viên giai cấp nông dân đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, viết nên trang sử hào hùng của dân tộc.
Từ năm 1925 đến năm 1929, phong trào đấu tranh của nông dân rộng khắp với số người tham gia rất đông tại các tỉnh, thành phố. Nhiều tổ chức như hội lợp nhà, hội hiếu hỷ, hội tương tế được nông dân hoặc các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ra để bảo vệ quyền lợi của nông dân. Đến cuối thập kỷ 20, Nông hội đã được hình thành ở nhiều làng, tổng trực tiếp chỉ đạo nông dân đấu tranh.
Đầu năm 1930, Hội nghị thành lập Đảng CSVN được tổ chức tại Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc) đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với Giai cấp nông dân "Đảng phải đoàn kết được đại đa số nông dân, phải dựa vững vào nông dân nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến". Phải tập hợp nông dân vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đấu tranh giành độc lập tự do và thực hiện cách mạng ruộng đất.
Nhận thức rõ vai trò to lớn của Giai cấp nông dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, ngày 14/10/1930 hội nghị TW Đảng CSVN đã thông qua NQ về việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay).
Từ Hội nghị TW Đảng lần thứ II, tháng 3/1931 trải qua rất nhiều giai đoạn lịch sử đến ngày 01/3/1988, Ban Bí thư TW Đảng ban hành Quyết định số 42-QĐ/TƯ về việc đổi tên Hội Liên hiệp nông dân tập thể VN thành Hội Nông dân Việt Nam.
Tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định lấy ngày 14/10/1930 là ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam. Ngày 20/5/1991, Ban Bí thư TW Đảng ra Chỉ thị số 69 về việc kỷ niệm 61 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/1991). Lần đầu tiên Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mít tinh kỷ niệm trọng thể 61 năm ngày thành lập Hội tại Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng.
Đến nay, Hội Nông dân Việt Nam đã trải qua 90 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành. 90 năm ấy là cả một kho sử vàng của Giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạnh của Đảng, của dân tộc Việt Nam.
* 46 năm xây dựng và trưởng thành Hội Nông dân tỉnh Lai Châu
Hội Nông dân tỉnh Lai Châu được thành lập ngày 12/11/1974 với tên gọi: Hội Nông dân tập thể tỉnh Lai Châu. Đến nay, trải qua gần 46 năm Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã trải qua 9 kỳ đại hội. Qua mỗi kỳ đại hội là một kỳ đánh dấu bước trưởng thành và phát triển của phong trào nông dân và công tác Hội. Từ Hội Nông dân tập thể của cuối những năm 70, đầu những năm 80 cho đến Hội Nông dân Lai Châu ngày nay không ngừng được đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sau gần 46 năm Hội Nông dân tỉnh Lai Châu dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, hội viên nông dân các dân tộc trong tỉnh, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã từng bước trưởng thành, đưa công tác Hội và phong trào nông dân phát triển rộng khắp từ các trung tâm thành phố, thị trấn đến các xã vùng sâu, vùng xa, các thôn, bản ở những nơi xa xôi, hẻo lánh trong toàn tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ IV, Quốc hội khóa XI về việc chia tách tỉnh Lai Châu thành 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Ngày 29/12/2003 Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ra quyết định thành lập Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Lai Châu (mới).
Sau khi chia tách, bộ máy tổ chức Hội cấp tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động với biên chế của tỉnh Hội gồm 7 đồng chí được điều động từ Hội Nông dân tỉnh Lai Châu (cũ), ngay từ ngày đầu cùng với việc hoàn tất thủ tục bàn giao công tác tổ chức, công tác cán bộ và phong trào Hội giữa 2 tỉnh, chuẩn bị cơ sở vật chất, ổn định nơi làm việc tạm thời, Ban Thường vụ lâm thời Hội Nông dân tỉnh đã tiến hành tiếp nhận công tác Hội và phong trào nông dân huyện Than Uyên (tỉnh Lào Cai chuyển về tỉnh Lai Châu) và 4 cơ sở Hội của huyện Mường Lay, thị xã Lai Châu (tỉnh Điện Biên). Sau khi chia tách và tiếp nhận các tổ chức Hội chuyển về tỉnh Lai Châu mới, tổ chức Hội trong tỉnh Lai Châu mới có 5 huyện (Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ, Tam Đường, Than Uyên); 86 cơ sở Hội 996 chi hội thôn bản với sự tham gia hoạt động của 35.787 hội viên nông dân. Biên chế cán bộ chuyên trách của cán bộ tỉnh Hội được tăng cường, bổ sung nâng tổng số lên 13 đồng chí.
Vượt qua, những khó khăn chung của một tỉnh mới chia tách, thành lập. Đến nay sau hơn 16 năm chia tách, thành lập tỉnh, công tác Hội và phong trào nông dân không ngừng được củng cố và phát triển. Đội ngũ cán bộ Hội được tăng cường và từng bước trưởng thành, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ của Hội. Toàn tỉnh có 106 cơ sở Hội; 987 chi Hội, 67.575 hội viên. Biên chế cán bộ chuyên trách của cán bộ tỉnh Hội được tăng cường, bổ sung nâng tổng số lên 30 đồng chí. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp được quan tâm, chú trọng; đến nay trình độ chuyên môn có 04 thạc sỹ, 73 đại học, 04 đang học đại học; 9 cao đẳng, 69 trung cấp; trình độ lý luận 10 cao cấp, 101 trung cấp, 9 đang học trung cấp.
Hoạt động của Hội từng bước đi vào nền nếp và hiệu quả: Tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt 46.448,8 triệu đồng, với 94 dự án cho 973 hộ vay vốn với tổng số tiền cho vay là 42.984 triệu đồng; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 676,615 tỷ đồng, tại 442 tổ TK&VV tạo điều kiện cho 14.915 hộ vay; dư nợ của Ngân hàng NN&PTNT uỷ thác qua tổ chức Hội là 209,197 tỷ đồng, 136 tổ vay vốn và 2.044 hộ vay; hướng dẫn thành lập 29 mô hình Tổ hợp tác.
Các phong trào nông dân ngày càng phát triển sâu rộng, nhất là phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội Nông dân phát động, đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong hội viên nông dân các dân tộc. Đến năm 2019 có 4.494 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Thông qua các chương trình, mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước, cùng với sự tác động của Hội bằng công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ KHKT; tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho nông dân, để nông dân nắm được những kiến thức cơ bản về trồng trọt, chăn nuôi thú y và một số ngành nghề khác theo nhu cầu của hội viên nông dân; tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư kỹ thuật, thiết bị máy móc; tổ chức các hội nghị biểu dương nông dân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, hoạt động của Hội, hội nghị sản xuất kinh doanh giỏi; vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, từng bước làm chuyển biến nhận thức của hội viên nông dân trên nhiều lĩnh vực… Đến nay số hộ nông dân SXKD giỏi trong tỉnh ngày càng tăng lên, số hộ nghèo giảm dần. Đời sống của nông dân không ngừng được cải thiện. Nhiều hộ nông dân được công nhận gia đình văn hóa, góp phần quan trọng vào việc xây dựng thôn, bản văn hóa. Phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh không ngừng được đẩy mạnh, vận động nông dân nêu cao tinh thần cảnh giác, chống mọi âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Nêu cao ý thức trách nhiệm công dân trong việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Tham gia thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng tích cực đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.
Với những thành tích đạt được trong quá trình phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất và nhiều Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và của tỉnh. Đó là những phần thưởng cao quý, là nguồn động viên tiếp sức cho cán bộ, hội viên nông dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bích Hoa