Ngày 05/5/2022, Ban Quản lý Dự án Lúa - Hội Nông dân tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị đầu bờ mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường tại bản Nà Củng, xã Mường So, huyện Phong Thổ nhằm đánh giá về năng suất, hiệu quả của mô hình; đồng thời trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường đã và đang được Ban Quản lý Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” triển khai, thực hiện trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Đ/c Mùa A Trừ - Chủ tịch HND tỉnh, Trưởng Ban QLDA Lúa HND tỉnh
phát biểu tại Hội nghị đầu bờ canh tác lúa thân thiện với môi trường
Tới dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Ban Quản lý Dự án Lúa - Hội Nông dân tỉnh; lãnh đạo Hội Nông dân huyện Phong Thổ; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể xã Mường So; đại diện Trưởng bản, Chi Hội trưởng nông dân của các bản trong xã Mường So; các hộ nông dân tham gia áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại bản Nà Củng, xã Mường So, huyện Phong Thổ. Tổng số 30 đại biểu.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả tổ chức thực hiện dự án trong thời gian vừa qua; việc xây dựng mô hình điểm áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại bản Nà Củng, xã Mường So; tổ chức thăm quan ngoài thực địa; tiến hành các bước kiểm tra, đo đếm, thu thập số liệu thực tế trên ruộng mô hình áp dụng canh tác lúa theo phương pháp thân thiện với môi trường và ruộng lúa canh tác theo phương pháp truyền thống của địa phương; trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Được biết, mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường tại bản Nà Củng, xã Mường So, huyện Phong Thổ được thực hiện trên diện tích 2.000 m2 với 02 hộ tham gia, trong quá trình thực hiện Ban Quản lý Dự án Lúa - Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ 100% phân bón hữu cơ vi sinh Quế Lâm để bón và cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn các hộ nông dân tham gia mô hình thực hiện các biện pháp kỹ thuật như: xử lý hạt giống trước khi đem ngâm, ủ (phơi hạt giống trong nắng nhẹ 1-2 tiếng, xử lý trong nước theo phương pháp 3 sôi 2 lạnh, đãi bỏ hạt lép lửng); cày bừa kỹ, san phẳng mặt ruộng, làm rãnh, đánh luống ruộng trước khi sạ giống; bón lót kết hợp bón phân chuồng và phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm; thực hiện bón phân hợp lý kết hợp tỉa dặm và làm cỏ sục bùn; điều tiết nước theo từng giai đoạn phát triển của cấy lúa (Nông - Lộ - Phơi); tổ chức thăm đồng thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng và phát triển của cây lúa và tình hình sâu bệnh hại để xử lý kịp thời.
Kết quả kiểm tra, đo đếm và gặt tại 03 điểm ngẫu nhiên (mỗi điểm 1 m2) của ruộng mô hình và ruộng nông dân thực hiện theo phương pháp canh tác truyền thống với các tiêu chí (số khóm/m2, số bông/khóm, số lượng hạt/bông, số lượng hạt chắc, nép và cân trọng lượng số hạt thu được/m2) cho thấy: ruộng mô hình điểm canh tác lúa theo phương pháp thân thiện với môi trường thì lượng giống đem sạ ít hơn và không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun; việc chăm sóc, bón phân và tỉa dặm được thực hiện dễ dàng hơn; tiết kiệm được chi phí mua phân bón hóa học; thực tế kiểm đếm có số khóm/m2 ít hơn nhưng số lượng bông/khóm, số lượng hạt/bông lại nhiều hơn, tỷ lệ hạt chắc mẩy cao hơn; cân trọng lượng số lượng hạt thu về/m2 của ruộng mô hình năng suất ước đạt 7,0 tấn/ha.
Kết thúc Hội nghị các đại biểu tham dự đều rất phấn khởi, thấy được hiệu quả và những lợi ích thiết thực của của việc đưa phương pháp canh tác lúa thân thiện với vào sản xuất. Trong vụ tới các hộ sẽ hưởng ứng tham gia áp dụng và tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình, họ hàng và bà con lối xóm áp dụng các biện pháp kỹ thuật của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường vào sản xuất lúa tại gia đình và địa phương./.
Lữ Thế Công - Trung tâm HTND