Làm việc tại Lai Châu, Phó Chủ tịch Hội NDVN Nguyễn Xuân Định gợi mở 3 vấn đề cần tạo đột phá
Chiều 16/4, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đồng chí Nguyễn Xuân Định cùng đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã làm việc với các sở, ban, ngành tỉnh Lai Châu về tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết.
Phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết ở Lai Châu
Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Lai Châu đã thông tin với đoàn công tác TƯ Hội Nông dân Việt Nam về những tiềm năng, thế mạnh, những khó khăn, vướng mắc khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững tại Lai Châu… Trong đó, phân tích sâu về những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế khi triển khai các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết.
Chia sẻ tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Duy Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu) cho biết: Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ được 17 dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết 13/2019/NQ-HĐND tỉnh Lai Châu; thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, MTQG dân tộc thiểu số và miền núi và lồng ghép đã phê duyệt được 21 dự án. Tổng quy mô liên kết đạt gần 1.000 ha, với tổng kinh phí phê duyệt hỗ trợ trên 77 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định và đoàn công tác làm việc với tỉnh Lai Châu nhằm nghiên cứu, trao đổi cơ chế chính sách, tiềm năng... xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Ảnh: Tuấn Hùng
Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn bước đầu đã khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp, người dân tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo tính ổn định, bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân trong sản xuất nông nghiệp, điển hình như chuỗi liên kết chanh leo tại huyện Tam Đường, chuỗi liên kết và tiêu thụ rau, quả tại huyện Than Uyên… góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung với các sản phẩm, ngành hàng quan trọng có giá trị kinh tế cao theo định hướng phát triển của tỉnh Lai Châu.
Thông qua các dự án, kế hoạch liên kết giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, khắc phục những bất lợi về quy mô, diện tích, trình độ sản xuất. Giảm thiểu rủi ro trong sản xuất kinh doanh; khắc phục được tình trạng "được mùa mất giá", giúp người dân yên tâm đầu tư, tham gia thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Người dân được tiếp cận các quy trình kỹ thuật, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong việc trồng và chăm sóc các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng thị hiếu thị trường và người tiêu dùng.
Đồng chí Lò Văn Cương, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu chia sẻ tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... của tỉnh Lai Châu và điểm nhanh một số kết quả về phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết. Ảnh: Tuấn Hùng
Bên cạnh những kết quả bước đầu đó, quá trình triển khai cũng còn gặp nhiều khó khăn, hiện trên địa bàn tỉnh Lai Châu chưa có đơn vị tư vấn xây dựng dự án, kế hoạch liên kết, do vậy các doanh nghiệp, hợp tác xã phải tự xây dựng hoàn thiện hồ sơ trong khi năng lực thực hiện việc này còn hạn chế, việc hoàn thiện hồ sơ dự án, kế hoạch liên kết còn chậm.
Một số cá nhân tham gia liên kết chưa chấp hành nghiêm theo các nội dung trong hợp đồng liên kết, chưa đảm bảo theo quy mô, diện tích liên kết; chưa tuân thủ theo quy trình kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc, chưa đảm bảo tỷ lệ đối ứng theo quy định.
Cùng với đó, số lượng các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, quy mô sản xuất còn nhỏ và siêu nhỏ, nguồn lực kinh tế còn hạn chế, năng lực quản lý còn yếu… do đó việc tham gia xây dựng đề xuất các dự án, kế hoạch, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn ít.
Đồng chí Dương Đình Đức, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu cho rằng các dự án liên kết đã từng bước thay đổi nhận thức của bà con nông dân về phát triển sản xuất hàng hóa, qua đó từng bước giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống và mong muốn các nhà đầu tư chung tay giúp bà con nông dân Lai Châu phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết. Ảnh: Tuấn Hùng
Phó Chủ tịch TƯ HNDVN Nguyễn Xuân Định gợi mở 3 vấn đề cần tạo đột phá
Trước những thách thức đó, tại hội nghị các đại biểu đã tập trung bàn giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, trong đó nhấn mạnh cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các sở, ban, ngành liên quan trong việc thúc đẩy liên kết và làm cầu nối tổ chức xúc tiến việc liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Lai Châu đã đưa ra nhiều kiến nghị với đoàn công tác TƯ Hội Nông dân Việt Nam, trong đó tập trung vào các nội dung như: Có thêm các mô hình phát triển kinh tế hỗ trợ đồng bào các dân tộc đặc biệt khó khăn như: Mảng, Cống, Lự, Si La; tạo điều kiện giúp các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn; chính sách hỗ trợ người nông dân để giảm chi phí đối ứng khi tham gia các dự án... Ảnh: Tuấn Hùng
Các đại biểu cho rằng, cần thường xuyên cập nhật, đánh giá, dự báo thị trường cung cầu hàng hóa nông sản làm cơ sở giúp nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, từ đó tìm đầu ra cho sản phẩm; chú trọng việc kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong việc thu mua, phân phối, tiêu thụ sản phẩm đầu ra thông qua hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp với hợp tác xã kiểu mới, nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững, khắc phục tình trạng "mạnh ai nấy làm" và bị tư thương ép giá…
Các đại biểu trong đoàn công tác TƯ Hội Nông dân Việt Nam đã gợi mở 9 nội dung như: Các cây trồng đang triển khai liên kết đã trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh hay chưa, Lai Châu đã xây dựng nhà máy chế biến như thế nào; việc tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân; định mức tối thiểu và tối đa cho mỗi dự án hay những quy định mức hỗ trợ tối đa/dự án cho các thành phần tham gia... Ảnh: Tuấn Hùng
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành TƯ Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định đã gợi mở nhiều nội dung trong thời gian tới. Đồng chí cho rằng, các cấp Hội Nông dân tỉnh Lai Châu chú trọng phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh Lai Châu triển khai tốt Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị, Đề án 182 của Chính phủ, các nghị quyết của HĐND tỉnh Lai Châu… có 3 nhiệm vụ cần tạo sự đột phá đó là: Tập trung tập hợp nông dân, trong đó chú trọng xây dựng các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, lấy đó làm cơ sở để phát triển thành các tổ hợp tác, câu lạc bộ nông dân. Các cấp Hội Nông dân cần tích cực tham gia xây dựng kinh tế tập thể, từ đó tạo điều kiện giúp nông dân tham gia vào kinh tế tập thể theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông Dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định đánh giá cao những kết quả Hội Nông dân tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh Lai Châu đã thực hiện nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết trong thời gian qua. Ảnh: Tuấn Hùng
Nhiệm vụ đột phá thứ 3 là nâng cao trình độ cho cán bộ, hội viên nông dân đến tận các chi hội, đặc biệt là chi hội trưởng, qua đó phát huy tốt hơn vai trò của chi hội trưởng và đào tạo nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thành những giáo viên qua đó lan tỏa phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định cũng chia sẻ nhiều giải pháp với các ban, ngành liên quan của tỉnh Lai Châu trong việc giúp nông dân thuận lợi tham gia các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết và các giải pháp tiêu thụ sản phẩm có ứng dụng công nghệ thông tin, thành lập các cửa hàng tiêu thụ nông sản…