Những năm qua, cùng với nhiệm vụ xây dựng tổ chức hội, hội viên vững mạnh, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã có nhiều nỗ lực trong các hoạt động hỗ trợ nông dân. Ðáng chú ý, việc hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh đã mang lại kết quả tích cực, góp phần giúp hội viên giảm nghèo và vươn lên phát triển kinh tế.
|
Mô hình nuôi cá lồng mang lại thu nhập ổn định, giúp người dân giảm nghèo bền vững. |
Tại huyện Nậm Nhùn, phong trào được nhân rộng, thu hút đông đảo nông dân tham gia, tạo cơ sở vững chắc để hội viên nông dân củng cố niềm tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, từ đó, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Gia đình anh Cà Văn Khám, bản Nậm Cầy, xã Nậm Hàng được nhiều người biết là hộ tiên phong trong việc áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi sản xuất. Qua trao đổi với anh Khám chúng tôi được biết, cũng như các hộ trong bản, trước đây gia đình anh chỉ quanh quẩn lo cái ăn hằng ngày cũng rất vất vả. Nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước thông qua Hội Nông dân đã giúp gia đình anh có điều kiện để phát triển kinh tế.
Nhận thấy lợi thế địa phương có nhiều bãi đất bỏ hoang, cỏ mọc tốt là điều kiện thuận lợi để chăn thả gia súc, anh quyết định đầu tư chuồng trại chăn nuôi tập trung. Hiện mô hình chăn nuôi tập trung của gia đình anh Khám có hơn 30 con trâu, bò. Ngoài ra cũng từ nguồn hỗ trợ, gia đình anh mạnh dạn đầu tư trồng thêm hai héc-ta quế. Hiện cây quế bắt đầu cho thu tỉa phần cành lá, cộng với chăn nuôi, mỗi năm tổng thu nhập của gia đình anh Khám đạt gần 200 triệu đồng.
Bà con trong bản Nậm Cầy thấy gia đình anh Khám từ chăn nuôi đã thoát nghèo cho nên nhiều hộ cũng học cách chăn nuôi theo mô hình trên. Vượt qua những khó khăn ban đầu, anh Khám và các hộ dân của bản Nậm Cầy đã tìm thấy “chìa khóa” thoát nghèo. Từ những khoảng đồi đất bỏ hoang khi xưa, nay đã xuất hiện các trang trại chăn nuôi tập trung quy củ, phá vỡ lối tư duy canh tác sản xuất nhỏ lẻ, hoang dã.
Dưới bàn tay cần cù lao động, những hội viên nông dân Nậm Cầy đã biến vùng đất bỏ hoang thành vườn quế, chanh leo và nhiều cây ăn quả xanh tốt, làm cho diện mạo, đời sống nông thôn miền núi nơi đây đang ngày càng khởi sắc.
Trên con đường bê-tông mới phẳng lỳ dẫn về bản Nậm Sảo 1, xã Trung Chải, chúng tôi bắt gặp những người Mảng đang chuyện trò, quét dọn vệ sinh đường bản. Nghe các cụ già trong bản kể, giờ cái ăn của người Mảng không còn khó khăn như trước. Bản đã đổi thay, có điện, có đường, trường mới, con trẻ chịu khó đến lớp.
Người dân học được nhiều kiến thức mới trong chăn nuôi trồng trọt từ những lớp tập huấn dạy nghề của các cấp Hội nông dân triển khai. Ðáng nói là, qua ti-vi, sách báo, mọi người nắm rõ các chủ trương, chính sách của Ðảng, của Nhà nước.
Trước năm 2012, Nậm Sảo 1 thuộc xã Nậm Ban, huyện Sìn Hồ, địa phương còn nhiều hủ tục, tệ nạn như: Nghiện rượu, hôn nhân cận huyết thống... “Những năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng nông thôn mới” và “Nông dân thi đua sản xuất giỏi”, những người dân tộc Mảng ở đây ai cũng hăng hái tham gia, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu”, chị Lò Me Thơ, Bí thư Chi bộ bản Nậm Sảo 1 phấn khởi cho biết.
Về vùng “đất gió” Than Uyên, tại làng cá bản Thẩm Phé, xã Mường Kim, chúng tôi gặp chị Lò Thị Dung, Giám đốc hợp tác xã Thanh niên Thẩm Phé. Chị Dung là một trong những lớp người đầu tiên ở Mường Kim mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ. Cùng tham gia hợp tác xã với gia đình chị Dung, nhiều người dân tộc Thái, Khơ Mú ven lòng hồ nắm bắt ưu đãi đặc thù từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Với sự hỗ trợ nguồn vay vốn ưu đãi thông qua tổ chức hội, trong đó có Hội Nông dân các cấp, người dân đã tập trung vào việc phát triển mô hình nuôi cá lồng.
Từ năm lồng cá khởi nghiệp ban đầu, vượt qua những khó khăn, đến nay Hợp tác xã Thanh niên Thẩm Phé đã mở rộng quy mô lên 60 lồng nuôi các loại cá đặc sản. Câu chuyện của nữ Giám đốc trẻ Lò Thị Dung càng thuyết phục hơn, khi mô hình nuôi cá lồng bè chị giới thiệu đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục hộ gia đình.
Ðể tăng thêm thu nhập cho các thành viên, ngoài công việc nuôi cá, Hợp tác xã Thanh niên Thẩm Phé còn chế biến, đóng gói các loại đặc sản, sản phẩm từ cá; các mặt hàng độc đáo làm quà lưu niệm; kèm các dịch vụ, thuê tàu du lịch, trải nghiệm câu cá cho khách du lịch…
Với thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/người/tháng, mô hình nuôi cá lồng kết hợp làm du lịch của các hộ dân trên hồ thủy điện Bản Chát đang cho thấy hiệu quả và vai trò của các tổ chức hội trong đó có Hội Nông dân các cấp trong việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế.
Ðể tạo điều kiện cho các hộ phát triển kinh tế, hằng năm Hội Nông dân các cấp phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Ðến hết năm 2023 tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác thông qua tổ chức Hội là hơn 1.000 tỷ đồng, với 15.614 hộ vay vốn, thông qua 412 tổ tiết kiệm.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu Dương Ðinh Ðức, các mô hình Quỹ hỗ trợ nông dân đã tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho người nông dân. Qua đó, tinh thần năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên nông dân được phát huy, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, đạt hiệu quả cao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội giúp nông dân giảm nghèo bền vững…