Sáng ngày 28/6/2023, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tổ chức nghiệm thu mô hình hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cây lê tại xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Dự có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân tộc, Tôn giáo, Quốc phòng - An ninh Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và đoàn công tác; đồng chí Mùa A Trừ Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, lãnh đạo Hội Nông dân huyện Tam Đường, cấp ủy, chính quyền và các hộ dân trên địa bàn xã.
Đ/c Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân tộc, Tôn giáo, Quốc phòng - An ninh Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và đoàn công tác thăm mô hình
Những năm gần đây, diện tích cây ăn quả ôn đới nói chung và cây lê nói riêng trên địa bàn xã Giang Ma, huyện Tam Đường có xu hướng gia tăng cả về chủng loại và phạm vi trồng, đây là loại cây trồng có lợi thế, được xác định là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu làm thay đổi quy luật thời tiết; việc hình thành những vùng cây ăn quả ôn đới tập trung, trên phạm vi rộng lớn và người dân chưa chú trọng chăm sóc nên để cây phát triển tự nhiên, cây cao nên việc chăm sóc hay thu hái quả đều gặp khó khăn, sai quả nhưng quả nhỏ, tính ra giá trị kinh tế không cao. Sau thu hoạch, không chăm sóc cây lê sẽ bị suy kiệt, ra quả cách năm, cây già cỗi, phát triển kém.
Để khắc phục tình trạng trên Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo xây dựng mô hình điểm, cử cán bộ hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây lê từ vít cành, tạo tán, bọc quả, bón phân, phòng trừ sâu bênh…cho mô hình cây lê tại hộ gia đình anh Giàng A Sang bản Bãi Bằng (Hội Nông dân tỉnh đầu tư toàn bộ phân bón, túi bọc quả, thuốc bảo vệ thực vật).
Kỹ thuật bón phân và bọc quả cho cây lê tại mô hình hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cây lê
Sau hơn 5 tháng triển khai mô hình đạt chất lượng theo yêu cầu, mẫu mã đẹp, quả to có trọng lượng đạt từ 200 - 300gr/quả và có khoảng 10% quả đạt từ 400 - 500gr/quả, chất lượng quả ngon hơn.
Trọng lượng quả lê đạt được của mô hình hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cây lê
Từ những kết quả trên góp phần giúp người dân từng bước nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái phát triển bền vững mà còn thay đổi lối canh tác truyền thống để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCop, hình thành vùng cây ăn quả đặc sản gắn với du lịch của xã. Thời gian tới Hội Nông dân sẽ chỉ đạo thành lập tổ hợp tác để triển khai nhân rộng mô hình./.