Anhbanner1
Hướng dẫn một số nội dung thực hiện Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND và Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh

 (BLC) - Để đảm bảo thống nhất triển khai Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025  và Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn toàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện các Nghị quyết như sau:

Đồi chè Tân Uyên không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân mà còn là điểm du lịch đầy hấp dẫn. Ảnh: Phương Lan

I. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 07/2021/NQ-HĐND

1. Các nội dung hướng dẫn chung:

1.1. Tổ hợp tác, nhóm hộ

- Nhóm hộ: nhóm hộ được quy định trong Nghị quyết được hiểu là Nhóm được thành lập từ 05 hộ nông dân trở lên trên cơ sở tự nguyện thành lập, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Các thành viên trong nhóm lập biên bản họp nhóm hộ, các nội dung hợp tác, thống nhất cử người đại diện nhóm hộ (trưởng nhóm). Các thành viên trong nhóm hộ cùng ký tên sau khi thống nhất các nội dung trong biên bản được UBND xã xác nhận. UBND huyện, thành phố và các xã hướng dẫn, hỗ trợ các hộ thành lập Nhóm hộ; có thể thành lập nhóm hộ trên cơ sở các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn Ngân hàng chính sách – xã hội (Tổ TK&VV) hoạt động hiệu quả, các tổ chức thủy lợi cơ sở vận hành công trình thủy lợi; các nhóm hộ đã hình thành hoạt động có hiệu quả.

- Tổ hợp tác: là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác, gồm từ 02 cá nhân, pháp nhân trở lên tự nguyện thành lập, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

Tổ hợp tác được thành lập và hoạt động thực hiện theo quy định tại Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2019 của Chính phủ.

1.2. Định mức hỗ trợ: Định mức hỗ trợ giống, vật tư, tiêu chuẩn chất lượng giống áp dụng theo định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng giống do UBND tỉnh ban hành.

1.3. Thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ: chính sách chỉ được áp dung từ sau ngày 01/4/2021 đến 31/12/2025. Các nội dung đã thực hiện trước thời điểm 01/4/2021 không được áp dụng chính sách. Các đối tượng đề nghị được hưởng hỗ trợ phải có tài liệu chứng minh các hoạt động được thực hiện sau ngày 01/4/2021và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của tài liệu.

2. Hỗ trợ sản xuất lúa hàng hóa, chè, cây ăn quả tập trung, hoa, rau củ quả

2.1. Hỗ trợ sản xuất lúa hàng hóa tập trung

- Định mức hỗ trợ giống, vật tư, tiêu chuẩn chất lượng giống áp dụng theo định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng giống do UBND tỉnh ban hành; mỗi một đề xuất chỉ hỗ trợ một loại giống; đối với các đề xuất liên kết phải tối thiểu 2 khâu liên kết: khâu cung ứng giống và khâu thu mua, tiêu thụ sản phẩm.

- Giống lúa được hỗ trợ phải nằm trong cơ cấu giống lúa theo hướng dẫn hàng năm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với lúa thuần chất lượng phải đảm bảo tiêu chuẩn xác nhận trở lên, được cấp Quyết định công nhận lưu hành hoặc cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách.

- Các giống lúa đặc sản địa phương phải đảm bảo tính đúng giống, sạch sâu bệnh, bao gồm: Nếp tan Co giàng, Nếp Tan pỏm, Khẩu hốc, Tẻ mèo, Tả cù, Nếp tan (Khẩu lương phửng), Tẻ râu, Khẩu ký. Hàng năm căn cứ vào thực tế sản xuất và đề xuất cơ cấu giống của các huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thônhướng dẫn, bổ sung cơ cấu giống cho phù hợp.

- Căn cứ nội dung Quyết định số 423/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lai Châu về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiêp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung), UBND huyện, thành phố tổ chức rà soát cụ thể diện tích, địa điểm, vùng sản xuất lúa tập trung thống nhất với UBND cấp xã, làm cơ sở triển khai thực hiện Đề án và chính sách, thông báo công khai cho cộng đồng nhân dân có đất được quy hoạch vùng sản xuất tập trung biết. Gửi kết quả rà soát về sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi, tổng hợp. Nội dung này hoàn thành trước 31/10/2021, hàng năm có thể điều chỉnh bổ sung cho phù hợp.

2.2. Hỗ trợ phát triển chè

2.2.1. Phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao

- Sử dụng chè giâm cành để trồng, có hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng theo quy định. Đối với các loại phân bón sử dụng phải được cấp Quyết định công nhận lưu hành.

- Sử dụng các giống chè: Shan, Kim tuyên, PH8. Hàng năm, theo đề xuất của UBND các huyện, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xem xét bổ sung phù hợp.

- Định mức giống, vật tư, tiêu chuẩn chất lượng giống áp dụng theo định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn cây giống do UBND tỉnh ban hành. Đất trồng phải đảm bảo theo hướng dẫn quy trình kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.2.2. Trồng chè cổ thụ

a) Trồng mới cây chè cổ thụ trên đất trống

- Điều kiện gây trồng: Trồng mới trên đất trống có các điều kiện về đất đai, khí hậu tương đối tương đồng với những vùng chè đang có.

- Thời vụ trồng: Bắt đầu mùa mưa, kết thúc trồng trong tháng 8. Tùy tình hình thời tiết hàng năm để điều chỉnh cho phù hợp.

- Định mức hỗ trợ giống, vật tư, tiêu chuẩn chất lượng giống áp dụng theo định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng giống do UBND tỉnh ban hành. Tùy tình hình cụ thể về đất đai, nhu cầu của người dân có thể trồng mật độ chè cao hơn.

b) Trồng chè làm giàu rừng tự nhiên

- Đối tượng, biện pháp kỹ thuật tác động: thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Thời vụ trồng: bắt đầu mùa mưa, kết thúc trồng trong tháng 8. Tùy tình hình thời tiết hàng năm để điều chỉnh cho phù hợp.

c) Hỗ trợ chăm sóc, bảo tồn cây chè cổ thụ

- Đối tượng bảo tồn: Những cây chè cổ thụ có đường kính ngang ngực (D1.3) từ 6 cm trở lên, đường kính tán (Dt) từ 1,5 m trở lên; chiều cao từ 2,0 m trở lên.

Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc; quản lý bảo vệ, bảo tồn cây chè cổ thụ theo hướng dẫn riêng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.3. Hỗ trợ trồng mới cây ăn quả tập trung

- Định mức hỗ trợ giống, vật tư, tiêu chuẩn chất lượng giống cây ăn quả áp dụng theo định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng giống do UBND tỉnh ban hành. Sử dụng giống đảm bảo có hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cấp Quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành (đối với các giống không phải là cây trồng chính). Đối với các loại phân bón sử dụng phải được cấp Quyết định công nhận lưu hành. Riêng giống chuối Tây đã được nhân dân trồng, canh tác từ lâu, đang tự để giống và trồng trên địa bàn tỉnh phải có xác nhận của UBND cấp xã và phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kinh tế thành phố).

- Kỹ thuật trồng, chăm sóc thực hiện theo quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền.

 - Một đề xuất Liên kết trồng cây ăn quả có thể bao gồm nhiều tổ chức, nhóm hộ, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân có diện tích trồng liền thửa tối thiểu 1.000m2 riêng lẻ (không liền vùng,) trên địa bàn 1 xã, trong vùng định hướng trồng cây ăn quả, nhưng phải đảm bảo quy mô liên kết tối thiểu 05 ha; phải có hợp đồng liên kết và tối thiểu phải liên kết 3 khâu: khâu cung ứng giống vật tư phân bón, khâu chăm sóc, khâu tiêu thụ sản phẩm.

- Căn cứ nội dung Đề án phát triển nông nghiêp hàng hóa tập trung, UBND huyện, thành phố tổ chức rà soát cụ thể diện tích, địa điểm, vùng trồng mới cho từng loại cây ăn quả tập trung, thống nhất với UBND xã làm cơ sở triển khai thực hiện Đề án và chính sách, thông báo công khai cho cộng đồng nhân dân vùng quy hoạch biết. Gửi kết quả rà soát về sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi, tổng hợp. Nội dung rà soát hoàn thành trước 31/10/2021. Hàng năm có thể điều chỉnh bổ sung cho phù hợp.

2.4. Hỗ trợ trồng hoa, rau, củ quả

a) Đối với hoa địa lan:

- Định mức hỗ trợ giống, vật tư, tiêu chuẩn chất lượng giống áp dụng theo định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng giống do UBND tỉnh ban hành.

- Đăng ký và thực hiện hỗ trợ 01 lần: mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã tối đa 1.500 chậu, tối thiểu 400 chậu; mỗi tổ hợp tác, nhóm hộ tối đa 750 chậu, tối thiểu 100 chậu; mỗi hộ gia đình, cá nhân tối đa 250 chậu, tối thiểu 30 chậu.

- Giống hoa địa lan: Nghiêm cấm khai thác giống từ rừng tự nhiên; trường hợp do nhân dân đã trồng cây địa lan từ lâu, tự nhân giống, mua bán, trao đổi giống với nhau phải được xác nhận của UBND cấp xã, Hạt Kiểm lâm huyện, công chức kiểm lâm địa bàn nơi có giống địa lan. Các trường hợp khác phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cây giống rõ ràng theo quy định.

b) Các loài hoa khác

- Định mức hỗ trợ giống, vật tư, tiêu chuẩn chất lượng giống áp dụng theo định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng giống do UBND tỉnh ban hành.

- Các loại phân bón sử dụng phải được phép lưu hành tại Việt Nam. Thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

- UBND huyện, thành phố tổ chức rà soát cụ thể diện tích, địa điểm, vùng trồng hoa làm cơ sở triển khai thực hiện, thông báo công khai cho cộng đồng nhân dân vùng quy hoạch biết. Gửi kết quả rà soát về sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi, tổng hợp báo cáo. Nội dung này hoàn thành trước 31/10/2021. Hàng năm có thể điều chỉnh bổ sung cho phù hợp.

- UBND huyện, thành phố tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo đúng quy định. Không phát triển, mở rộng diện tích trồng hoa trong khu vực đầu nguồn nước sinh hoạt. Tuyên truyền, kiểm tra, giám sát quá trình chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân đảm bảo quy định; không sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý (phân tươi) để bón cho cây trồng, không sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục được phép sản xuất dinh doanh, thuốc không rõ nguồn gốc; phải xây dựng các bể chứa vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng để thu gom và xử lý theo đúng quy định.

c) Rau, củ quả

Định mức hỗ trợ giống, vật tư, tiêu chuẩn chất lượng giống áp dụng theo định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng giống do UBND tỉnh ban hành.

- Sản xuất phải theo tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất an toàn: Thực hiện theo Thông tư số 07/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/01/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với rau, quả, chè búp tươi đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, sơ chế; và tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11892-1:2017 Thực hành nông nghiệp tốt tại Việt Nam (VietGAP).

3. Hỗ trợ phát triển cây mắc ca

- Hỗ trợ tập trung đất đai, bao gồm một hoặc các chi phí sau: Mua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; thuê, thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; bồi thường hỗ trợ về đất đai; chi phí đo đạc, quy chủ, giao thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Thời gian thực hiện hỗ trợ bắt đầu từ cuối năm thứ 3, tỷ lệ cây sinh trưởng, phát triển tốt đạt tối thiểu 75% so với mật độ trồng ban đầu.

- Chỉ hỗ trợ đối với những dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư từ sau ngày 01/4/2021.

4. Hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi, làm hầm biogas và đệm lót sinh học, trồng cỏ và các loại cây thức ăn cho gia súc, phát triển nuôi ong, nuôi cá lồng

4.1. Hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi

- Yêu cầu địa điểm khu chuồng trại chăn nuôi, Tiêu chuẩn chuồng trại; thực hiện các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường (Quy định chi tiết tại Phụ lục kèm theo)

- Đối tượng được hỗ trợ phải có diện tích trồng cỏ hoặc các loại cây thức ăn cho đại gia súc tối thiểu là 100m2/con trở lên.

4.2. Hỗ trợ làm hầm biogas và đệm lót sinh học

- Hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng được thụ hưởng sau khi đã hoàn thiện xong công trình biogas hoặc làm đệm lót sinh học; đối tượng thụ hưởng chỉ được lựa chọn một trong 2 hình thức hỗ trợ làm hầm biogas hoặc sử dụng đệm lót sinh học.

- Yêu cầu kỹ thuật của hầm biogas và đệm lót sinh học đáp ứng theo đúng quy định, hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 3194/QĐ-BNN-CN ngày 11 tháng 8 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Hướng dẫn kỹ thuật lắp đặt, sử dụng công trình khí sinh học nắp cố định, công trình khí sinh học bằng vật liệu composite và quy trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót sinh học chăn nuôi lợn, gà để đảm bảo hoạt động có hiệu quả lâu dài.

- Đối với công trình làm hầm Biogas:

+ Đối với công trình xây gạch kiểu KT1 hoặc KT2, hoặc công trình nắp cố định bằng Composite phù hợp với tiêu chuẩn ngành về lĩnh vực môi trường được ban hành kèm theo Quyết định số 21/2002/QĐ-BNN ngày 21 tháng 3 năm 2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành tiêu chuẩn ngành về lĩnh vực môi trường.

+ Đối với Công trình làm bằng công nghệ phủ bạt HDPE yêu cầu bạt có độ dày từ 1 - 1,5mm trở lên.

Tổng thể tích hầm biogas được hỗ trợ, đảm bảo tối thiểu đối với chăn nuôi lợn là 18m3/cơ sở, nếu nuôi từ 51con trở lên, mỗi con tăng thêm tối thiểu 0,3m3; 14m3/cơ sở đối với chăn nuôi trâu, bò, ngựa, nếu nuôi từ 16 con trở lên, mỗi con tăng thêm tối thiểu 0,9m3.

- Đối với đệm lót sinh học:

+ Nguyên liệu làm chất độn chuồng: Sử dụng các nguyên liệu có độ xơ cao, có độ trơ cứng không dễ bị làm mềm nhũn, không độc, không gây kích thích đối với vật nuôi: Mùn cưa, vỏ bào của các loại gỗ không độc; trấu, vỏ lạc, lõi ngô…

+ Chế phẩm sinh học làm đệm lót: Sử dụng chế phẩm sinh học có chức năng, khả năng ứng dụng làm đệm lót sinh học có trong Danh mục sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, như: Chế phẩm EM, BIO-GREEN, Chế phẩm VƯỜN SINH THÁI, Men ủ vi sinh Thảo Dược…

4.3. Hỗ trợ trồng cỏ và các loại cây thức ăn cho gia súc

- Giống cỏ và các loại cây thức ăn cho gia súc, bao gồm: Cỏ voi, cỏ VA06, cỏ Ghinê, cỏ Stylô, cỏ Guatemala, cỏ Sweet jumbo… Sử dụng các giống ngô sinh khối, mía, keo dậu…. và các giống cỏ, cây tiến bộ kỹ thuật khác (nếu có).

- Cỏ và các loại cây thức ăn cho gia súc được trồng tập trung, chia lô hoặc những địa điểm phù hợp. Tùy theo từng loại có thể trồng bằng hom hoặc bằng hạt theo định mức kinh tế kỹ thuật do UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

- Việc thu hoạch cỏ phải đúng thời điểm theo quy trình kỹ thuật cỏ còn non, lá bánh tẻ để gia súc ăn, nhai dễ dàng, đảm bảo dinh dưỡng cũng như đạt năng suất tốt nhất. Có biện pháp chế biến dự trữ phù hợp (như ủ xanh, ủ chua..) thức ăn, tránh để cỏ già mới thu hoạch gia súc không ăn, lãng phí.

4.4. Hỗ trợ phát triển nuôi ong

- Thùng ong: Gỗ thùng đảm bảo không được vênh nứt, có thể thoát ẩm và chịu được mưa nắng, độ dày gỗ 1,5 -2 cm, kích thước thùng ong tối thiểu dài 45cm, rộng 30cm, cao 25cm, không tính nắp thùng. Đảm bảo số lượng tối thiểu 03 cầu ong/thùng.

- Đàn ong nuôi lấy mật phải bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường nơi nuôi ong; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm khai thác từ ong mật (có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cơ sở nuôi ong đối với tổ chức); có bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn (đối với cá nhân, hộ gia đình).

- Đối với giống ong mua tại các cơ sở sản xuất ong giống trong và ngoài tỉnh: Có hóa đơn mua bán, bản công bố chỉ tiêu chất lượng theo quy định. Đối với giống ong địa phương phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi mua giống.

4.5. Hỗ trợ nuôi cá lồng

- Có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cơ sở nuôi cá lồng (đối với tổ chức); có bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn (đối với cá nhân, hộ gia đình).

- Khoảng cách giữa các lồng tối thiểu bằng 0,5m, khoảng cách giữa các cụm lồng khi đặt song song phải cách nhau tối thiểu 10m, đáy lồng cách mặt đáy hồ tối thiểu là 0,5m. 

- Vật liệu làm khung lồng sử dụng một trong các loại sau: 

+ Ống kẽm, ống thép, thanh thép hình (U, V, hộp…), kích thước tối thiểu với ống là Ф = 50 mm; thanh thép hình là 50mm x 50mm, độ dày tối thiểu 3mm, được lắp ráp thành khung lồng có hình vuông hoặc hình chữ nhật, đồng thời có thanh liên kết bằng các vật liệu của khung lồng.

+ Ống nhựa HDPE với khung lồng chính gồm 02 vành, đường kính tối thiểu Ø 200mm; khung lồng phụ 01 vành, đường kính tối thiểu Ø 125 mm, liên kết nhau bởi giá đỡ khung có đường kính tối thiểu Ø 110 mm.

- Hệ thống phao bằng thùng phuy sắt hoặc nhựa, phuy làm phao, số lượng tối thiểu 6 phao/lồng (dung tích ≥200 lít). Số lượng phao tăng tại các vị trí đi lại nhiều. 

- Vật liệu làm các mặt lồng: Lồng lưới được làm 2 lớp, lớp bên trong làm bằng lưới PE dệt không gút, lớp bên ngoài bằng dù.

- Thể tích lồng tổi thiểu 108 m3 tương ứng với chiều dài, chiều rộng, chiều cao là: 6m x 6m x 3m. Tham khảo theo thiết kế lồng mẫu có phụ lục kèm theo.

4.6. Hỗ trợ cước vận chuyển tiêu thụ cá lồng thương phẩm

- Có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan chuyên môn nông nghiệp cấp huyện về thời gian, nơi xuất phát, khối lượng vận chuyển.

- Có hóa đơn bán hàng hợp lệ; hợp đồng vận chuyển (trong trường hợp thuê vận chuyển); bảng kê khối lượng vận chuyển, quảng đường vận chuyển (trường hợp tự vận chuyển), các giấy tờ liên quan để chứng minh địa điểm tiêu thụ.

- Độ dài quãng đường vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ được xác định theo tuyến đường ngắn nhất để thực hiện tính chi phí hỗ trợ.

5. Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP

5.1. Hỗ trợ một lần chi phí để hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm các cấp theo quy định

Chủ thể OCOP có thể thuê tư vấn thực hiện trọn gói toàn bộ nội dung để hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm các cấp hoặc mỗi nội dung thuê một đơn vị thực hiện hoặc tự thực hiện một số nội dung, nhưng phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, chứng từ hóa đơn hợp pháp, hợp lệ chứng minh chi phí. Được hỗ trợ tối đa không quá 20 triệu đồng để thực hiện các nội dung sau:

- Hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP:

Thành phần hồ sơ: Thực hiện theo điểm a, mục 3, Phụ lục II, ban hành kèm theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019; Phụ lục I, ban hành kèm theo Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 08/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có);

- Về viết câu chuyện sản phẩm: Yêu cầu phải có cốt chuyện, nội dung cụ thể, nêu được nguồn gốc hình thành ý tưởng sản phẩm, thể hiện trí tuệ và sản phẩm đặc sản, đặc sắc riêng của địa phương, chủ thể; có thể được tư liệu hóa, trình bày trên nhãn, tờ rơi, website (dưới dạng hình ảnh, clip,...);

- In, phô tô, công chứng hồ sơ cho Hội đồng đánh giá các cấp;

- Xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;

- Kiểm nghiệm và công bố chất lượng sản phẩm:

+ Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm trong vòng 12 tháng (bản gốc hoặc bản sao công chứng), gồm các chỉ tiêu theo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, của phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm độc lập được công nhận hoặc phòng kiểm nghiệm được thừa nhận.

+ Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, là đánh giá sự phù hợp của sản phẩm được công bố với quy định an toàn thực phẩm; Thủ tục đăng ký bản công bố/tự công bố sản phẩm theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và quy định tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ, sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh, thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;

- Truy xuất nguồn gốc: Là một loại tem điện tử có chứa mã xác thực dưới dạng mã QR Code và mã số, mã vạch được chứng nhận, được chủ thể sản phẩm dán hoặc in lên trên những sản phẩm do đơn vị sản xuất và cung cấp. Mục đích chính là giúp người dùng truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tìm hiểu về thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà họ đã mua, truy ngược từ sản phẩm đang được bày bán trên kệ hàng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối.

5.2. Hỗ trợ một lần 100% chi phí thiết kế, in, mua bao bì, nhãn mác sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm của các cấp

Hỗ trợ chi phí để thuê đơn vị tư vấn thiết kế bao bì nhãn mác và thuê in hoặc mua bao bì, nhãn mác sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng các cấp; Trường hợp chủ thể sản phẩm tự thiết kế hoặc đã có thiết kế, thì chính sách hỗ trợ 100% để thuê in hoặc mua bao bì, nhãn mác sản phẩm, nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng. Bao bì, nhãn mác sản phẩm phải đảm bảo theo Quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Đối với những loại bao bì, nhãn mác tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, thì phải có phiếu kiểm nghiệm, có kết quả đảm bảo với bản đăng ký công bố/tự công bố, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và theo các quy định hiện hành, cơ sở sản xuất bao bì nhãn mác phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất.

5.3. Hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm và nhà kho, nhà xưởng

- Chủ thể phải có phương án/kế hoạch/dự án sản xuất kinh doanh được các cơ quan chuyên môn cấp huyện thẩm định, UBND cấp huyện phê duyệt. Riêng sản phẩm tiềm năng phải đăng ký tham gia và thực hiện đúng quy định chương trình OCOP. Trong phương án/kế hoạch/dự án sản xuất phải có nội dung quy mô sản xuất, vùng nguyên liệu phù hợp với công xuất, năng lực sản xuất của máy móc, thiết bị đề nghị hỗ trợ. Sản phẩm được công nhận OCOP.

- Hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm: Đảm bảo mới 100%, có xuất xứ rõ ràng, ghi đầy đủ các thông tin về loại máy, chủng loại, công suất, các phụ kiện kèm theo máy...; đảm bảo phù hợp với quy mô, công suất trong dự án/phương án/kế hoạch sản xuất kinh doanh của cơ sở sản xuất kinh doanh được cơ quan chuyên môn cấp huyện thẩm định, UBND cấp huyện phê duyệt.

- Hỗ trợ nhà kho, nhà xưởng:

+ Quy mô nhà kho, nhà xưởng: Phù hợp với từng loại sản phẩm, nhưng phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê lại đất.

+ Tiêu chuẩn và vật liệu xây dựng: Được đầu tư xây dựng kiên cố, đảm bảo tối thiểu 3 cứng, gồm nền cứng, khung cứng, mái cứng. Các bộ phận nền, khung, mái phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy …

+ Có hồ sơ thiết kế, bản vẽ và dự toán, đảm bảo phù hợp với quy mô, quy trình kỹ thuật và công nghệ, thiết bị sản xuất, chế biến trong kế hoạch sản xuất kinh doanh hoặc phương án, dự án đầu tư sản xuất của cơ sở sản xuất kinh doanh được cơ quan chuyên môn cấp huyện thẩm định, UBND cấp huyện phê duyệt.

5.4. Thưởng cho chủ thể tham gia Chương trình OCOP có sản phẩm được công nhận

Sau khi UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Chương trình) tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt khen thưởng.

5.5. Hỗ trợ chi phí xây dựng hoặc thuê điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP

- Hỗ trợ xây dựng: Đơn vị, chủ thể phải đăng ký với UBND cấp xã, có hồ sơ thiết kế, bản vẽ và dự toán được cơ quan chuyên môn cấp huyện thẩm định, UBND cấp huyện chấp thuận bằng văn bản; có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê, thuê lại đất; Giấy phép xây dựng theo quy định (nếu có).

- Thuê điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP: có Hợp đồng thuê địa điểm được công chứng. Được UBND huyện, thành phố chấp thuận bằng văn bản; nếu địa điểm ngoài địa bàn tỉnh, chủ thể gửi đề nghị đến sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình UBND tỉnh chấp thuận bằng văn bản.

- Có cam kết bố trí 2/3 diện tích gian hàng để trưng bày và bán các sản phẩm OCOP, duy trì địa điểm bán hàng tối thiểu 36 tháng. Cam kết giới thiệu và bán tối thiểu 50% loại sản phẩm OCOP của tỉnh đã được chứng nhận (riêng đối với các điểm ở trung tâm huyện, thành phố trong tỉnh giới thiệu và bán tất cả các sản phẩm của huyện, thành phố đó).

- Diện tích xây dựng hoặc thuê điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP: đảm bảo tối thiểu từ 9 m2 trở lên (tương đương với một gian hàng tiêu chuẩn).

- Đáp ứng các tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo quy định của Bộ Công thương tại Quyết định số 920/QĐ-BCT ngày 16/4/2019 và Quyết định số 3041/QĐ-BCT ngày 8/10/2019. Trường hợp có văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung đó.

6. Hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

6.1. Yêu cầu kỹ thuật của nhà màng, nhà lưới:

a) Quy cách

- Chiều cao nhà (được tính từ mặt sàn đến điểm cao nhất của mái) tối thiểu là 3 m. Nền phải đảm bảo độ dốc để tiêu thoát nước tốt. Chiều rộng một đơn nguyên (chiều rộng 01 nhà lưới) tối thiểu là 3,2 m; chiều dài một đơn nguyên phụ thuộc vào diện tích đất, loài cây trồng và nhu cầu của chủ thể. Khoảng cách các trụ cột tối thiểu 3m.

- Móng cột: Bê tông, đảm bảo chịu được tải trọng của nhà, của gió, chống lún, bật móng, lật nhà...

 - Khung: Đảm bảo trọng tải của các liên kết khung và các thiết bị của toàn bộ nhà.

- Mái: Mái hở hoặc mái kín hoặc có hệ thống điều khiển để đóng, mở. Độ dốc của mái tối thiểu là 20°.

b) Yêu cầu về vật liệu

- Vật liệu che phủ: Tấm nhựa, màng chất dẻo, lưới. Có thể sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp các vật liệu như tấm nhựa, màng chất dẻo, lưới chống côn trùng hoặc lưới che nắng, đảm bảo ánh sáng đi qua và hạn chế được tia tử ngoại.

- Tấm nhựa: Đảm bảo khả năng xuyên sáng tốt với độ thấu quang đạt trên 74%, chống bám bẩn, độ bền cao. Có thể sử dụng tấm nhựa cốt sợi thủy tinh - FRP (Fibeglass Reinfored Plastic), PMMA (Poly Methyl Methacrylate), PC (Polycarbonate) và PE (Polyethylene)...

- Màng chất dẻo: Đảm bảo độ dai, độ đàn hồi, chống oxi hóa, không thấm nước, chịu được nhiệt độ... Độ dày tối thiểu 0,08mm, độ thấu quang tối thiểu đạt 80%, độ bền tối thiểu 1 năm. Có thể sử dụng màng PE (Polyethylene), màng PVC (Polyvinylchloride), màng EVA (ethylene-vinyl acetate copolymer), màng PEP (gồm 3 lớp: PE-EVA-PE)...

- Lưới chống côn trùng: Mật độ lỗ của lưới tối thiểu 10 lỗ/cm2. Có thể làm bằng nhựa, sợi thủy tinh, thép hoặc inox.

- Vật liệu khung: Có thể làm bằng ống kẽm, ống thép, thanh thép hình (U, V, hộp…).

- Vật liệu bao quanh: Tấm nhựa, màng chất dẻo, lưới chống côn trùng, lưới che nắng...

6.2. Yêu cầu kỹ thuật về hệ thống tưới: áp dụng theo sổ tay hướng dẫn Quy trình Công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

a) Hệ thống tưới phun mưa

- Máy bơm và động cơ: sử dụng máy bơm li tâm cao áp có áp lực từ 2-3 atm hoặc bơm pittông cao áp. Động cơ có thể sử dụng động cơ điện, động cơ diezel hoặc động cơ xăng.

- Bộ điều khiển tự động: đảm bảo lập trình được thời gian tưới cho cả hệ thống, khu vực, khởi động máy bơm, khởi động van điện từ…

- Ống dẫn chịu áp lực: ống chính, ống nhánh, ống phụ (để đặt đầu phun mưa).

- Vòi phun mưa: biến nước áp lực thành dạng phun mưa cho cây trồng (vòi phun li tâm).

- Các van: van điều tiết lưu lượng, van điều chỉnh áp lực, van xả khí, van điện từ…

- Các phụ kiện khác: cút, nối thẳng, đầu bịt…

- Hệ thống ống chính, ống phụ phải được chôn dưới đất đảm bảo không ảnh hưởng đến quá trình canh tác.

b) Hệ thống tưới nhỏ giọt

- Máy bơm tăng áp: Lựa chọn máy bơm tăng áp (áp suất và lưu lượng của máy bơm) tùy thuộc vào hệ thống trong đó số lượng vòi phun và đường kính của đương ống chính, đường ống phụ.

- Bộ lọc: Đảm bảo nước luôn sạch, giúp hệ thống hoạt động ổn định.

- Van điện từ và bộ điều khiển tưới tự động (bộ cảm biến, đồng hồ áp, tủ điều khiển): Đảm bảo đóng ngắt nước trong thời gian thích hợp theo yêu cầu của con người.

- Đường ống dẫn nước (đường ống chính, đường ống nhánh, vòi dây tạo giọt): Vật liệu là PVC, HDPE (Polyvinyl Clorua, High Density Polyethylene).

+ Ống chính: Vật liệu là PVC, HDPE (Polyvinyl Clorua, High Density Polyethylene).

+ Đường ống nhánh: Ống PE (Polyetylene), đường kính 16-20 mm tùy vào lưu lượng nước đến.

+ Vòi, giây tạo giọt: Giây tạo giọt: có thể sử dụng ống nhỏ giọt (6mm) hoặc giây nhỏ giọt (16-17mm); vòi tạo giọt: có thể sử dụng vòi điều chỉnh hoặc không điều chỉnh ở đầu vòi, lưu lượng 4-8lít/h hoặc cao hơn tùy vào nhu cầu tưới.

- Phụ kiện khác: dây điện, các loại cút, đầu nối…

c) Hệ thống tưới phun sương

- Máy bơm tăng áp: Lựa chọn máy bơm tăng áp (áp suất và lưu lượng của máy bơm) tùy thuộc vào hệ thống trong đó số lượng vòi phun và đường kính của đương ống chính, đường ống phụ.

- Bộ lọc: Đảm bảo nước luôn sạch, giúp hệ thống hoạt động ổn định.

- Van điện từ và bộ điều khiển tưới tự động (bộ cảm biến, đồng hồ áp, tủ điều khiển): Đảm bảo đóng ngắt nước trong thời gian thích hợp theo yêu cầu của con người.

- Đường ống dẫn nước:

+ Ống chính: Vật liệu là PVC, HDPE (Polyvinyl Clorua, High Density Polyethylene).

+ Đường ống nhánh: Ống PE (Polyetylene).

+ Vòi phun sương: Đảm bảo nước phun ra dạng hạt sương.

- Phụ kiện khác: Dây điện, các loại cút, đầu nối…

- Hồ sơ thiết kế hệ thống tưới được thẩm định và phê duyệt.

Các hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm trên có thể lắp đặt hệ thống điều khiển tự động và áp dung công nghệ số (nếu có)

7. Hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm

- Tổ chức tư vấn đánh giá và công nhận tiêu chuẩn: Phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định công nhận hoặc giấy chứng nhận đủ năng lực hoặc do nước nhập khẩu hàng hóa thừa nhận, chỉ định:

- Nội dung hỗ trợ bao gồm: Chi phí thuê tư vấn đánh giá và phí cấp giấy chứng nhận.

Các quy định áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm áp dụng theo các tiêu chuẩn, quy phạm, quy trình sau:

+ Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11892-1:2017 thực hành nông nghiệp tốt (VIETGAP) – phần 1, trồng trọt.

+ Quyết định số 4653/QĐ-BNN-CN ngày 10 tháng 11 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành quy trình thực hành chăn nuôi tốt.

 + Quyết định số: 3824/QĐ-BNN-TCTS ngày 06 tháng 09 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam.

+ Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041-2:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 2, trồng trọt hữu cơ.

+ Các tiêu chuẩn quốc gia khác khi ban hành mới hoặc được sửa đổi, bổ sung sẽ được áp dung khi có hiệu lực.

8. Hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản

- Dự án đầu tư phải được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ 01/4/2021 trở đi theo quy định của luật đầu tư hiện hành.

- Tùy từng loại sản phẩm hệ thống xử lý bảo quản nông, lâm, thủy sản có thể gồm: nhà kho, hệ thống sấy, hệ thống bảo quản lạnh, đông lạnh, bảo quản sinh học, chiếu xạ, khử trùng…). Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn một hoặc các nội dung để đề nghị hỗ trợ.

- Chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục theo quy định: phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán của chủ đầu tư; đánh giá ĐTM hoặc cam kết môi trường (nếu có); đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy theo quy định; Giấy phép xây dựng (nếu có); Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê đất, thuê lại đất; Biên bản nghiệm thu, hồ sơ hoàn công, hợp đồng, thanh lý hợp đồng (nếu có); các thủ tục hồ sơ khác (nếu có).

II. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 08/2021/NQ-HĐND

1. Các nội dung hướng dẫn chung

1.1. Các hình thức hỗ trợ, mức hỗ trợ

a) Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện dự án trồng rừng sản xuất. Mức hỗ trợ (bao gồm cả chi phí thiết kế và chi phí khuyến lâm trong 4 năm): 25 triệu đồng/ha đối với dự án trồng Quế; 21 triệu đồng/ha đối với dự án trồng rừng sản xuất các loài cây khác.

b) Hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân trồng dặm, trồng bổ sung diện tích trồng Quế được nghiệm thu từ năm 2018 - 2020 thông qua cơ quan được UBND cấp huyện giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách (UBND huyện có thể giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ tổ chức thực hiện). Mức hỗ trợ:

- Diện tích trồng năm 2018 được hỗ trợ: 100% cây giống trồng bổ sung; công lao động chăm sóc năm 2021: 01 triệu đồng/ha.

- Diện tích trồng năm 2019:

+ Diện tích đưa vào kế hoạch hỗ trợ năm 2021 được hỗ trợ: 100% cây giống trồng bổ sung; công lao động chăm sóc năm 2021: 02 triệu đồng/ha; công lao động chăm sóc năm 2022: 01 triệu đồng/ha.

+ Diện tích đưa vào kế hoạch hỗ trợ năm 2022 được hỗ trợ: 100% cây giống trồng bổ sung; công lao động chăm sóc: 01 triệu đồng/ha.

- Diện tích trồng năm 2020 được hỗ trợ: cây giống trồng dặm tối đa 10% của mật độ thiết kế trồng, phân bón, công lao động trồng, chăm sóc: 05 triệu đồng/ha; công lao động chăm sóc năm 2022: 02 triệu đồng/ha; công lao động chăm sóc năm 2023: 01 triệu đồng/ha.

c) Hỗ trợ tổ hợp tác, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng sản xuất thông qua cơ quan được UBND cấp huyện giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách (có thiết kế, dự toán trồng rừng do UBND cấp huyện phê duyệt). Mức hỗ trợ:

- Trồng mới rừng sản xuất loài cây Quế: Hỗ trợ 22 triệu đồng/ha cho tổ hợp tác, nhóm hộ; 20 triệu đồng/ha cho hộ gia đình, cá nhân; hỗ trợ chi phí thiết kế và chi phí khuyến lâm trong 4 năm cho cơ quan được UBND huyện giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện.

- Trồng mới rừng sản xuất loài cây khác: Hỗ trợ 18 triệu đồng/ha cho tổ hợp tác, nhóm hộ; 16 triệu đồng/ha cho hộ gia đình, cá nhân; hỗ trợ chi phí thiết kế và chi phí khuyến lâm trong 4 năm cho cơ quan được UBND huyện giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện.

d) Hỗ trợ tổ hợp tác, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân có đất được Nhà nước giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tự thực hiện trồng rừng sản xuất (không có thiết kế, dự toán trồng rừng do UBND cấp huyện phê duyệt). Mức hỗ trợ:

- Trồng mới rừng sản xuất loài cây Quế: Hỗ trợ 22 triệu đồng/ha cho tổ hợp tác, nhóm hộ trồng rừng sản xuất; Hỗ trợ 20 triệu đồng/ha cho hộ gia đình, cá nhân trồng rừng sản xuất; 01 triệu đồng/ha cho đơn vị được UBND cấp huyện giao nhiệm vụ thực hiện chính sách để chi trả cho công tác khuyến lâm trong 4 năm và chi phí khảo sát, đánh giá sự phù hợp của cây Quế đối với vùng đăng ký trồng của tổ hợp tác, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân (hỗ trợ theo hạng mục công việc thực hiện thực tế).

- Trồng mới rừng sản xuất loài cây khác: Hỗ trợ 18 triệu đồng/ha cho tổ hợp tác, nhóm hộ trồng rừng sản xuất; Hỗ trợ 16 triệu đồng/ha cho hộ gia đình, cá nhân trồng rừng sản xuất; 01 triệu đồng/ha cho đơn vị được UBND cấp huyện giao nhiệm vụ thực hiện chính sách để chi trả cho công tác khuyến lâm và chi phí khảo sát, đánh giá sự phù hợp của loài cây đăng ký trồng với vùng đăng ký trồng của hộ gia đình, cá nhân (hỗ trợ theo hạng mục công việc thực hiện thực tế).

1.2. Diện tích tối thiểu của lô trồng rừng

Lô trồng rừng tại những vị trí tách biệt phải đảm bảo có diện tích liền vùng tối thiểu từ 0,3 ha trở lên để phù hợp với tiêu chí rừng theo quy định. Lô trồng rừng tại những vị trí tiếp giáp với diện tích đã có rừng, lô trồng rừng nằm trong vùng đã được UBND huyện xác định, trong vùng quy hoạch lâm nghiệp, có thể diện tích nhỏ hơn 0,3 ha để thực hiện nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất và tạo vùng nguyên liệu tập trung.

1.3. Quy định về cây giống thực hiện trồng rừng, trồng cây phân tán

a) Nguồn gốc, xuất xứ của cây giống: cây giống phục vụ trồng rừng, trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng theo quy định.

b) Định mức hỗ trợ cây giống, phân bón theo định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng giống do UBND tỉnh ban hành.

c) Cây giống phục vụ trồng rừng phòng hộ, hỗ trợ trồng rừng sản xuất cho các tổ hợp tác, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân phải được Chi cục Kiểm lâm kiểm tra, xác nhận về tiêu chuẩn, nguồn gốc cây giống trước khi trồng rừng. Cơ quan được UBND huyện giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện phải thông báo cho Chi cục Kiểm lâm trước 3 ngày để tiến hành kiểm tra; Chi cục Kiểm lâm phải đáp ứng kịp thời việc bố trí cán bộ kỹ thuật kiểm tra, xác nhận tiêu chuẩn, nguồn gốc cây giống; vị trí địa điểm tập kết cây giống do cơ quan được giao nhiệm vụ cấp huyện xác định. Nội dung này được thực hiện bắt đầu từ năm 2022.

1.4. Thời vụ trồng rừng, trồng cây phân tán

a) Thời vụ trồng rừng: Từ 01/6 đến 31/7 hàng năm. Tùy thuộc điều kiện thời tiết, nếu thời tiết thuận lợi, mưa sớm, mưa muộn có thể điều chỉnh để thực hiện sớm hơn hoặc muộn hơn so với thời vụ nêu trên. Hàng năm căn cứ điều kiện thời tiết cụ thể, Sở Nông nghiệp và PTNT có khuyến cáo thời vụ trồng rừng cho phù hợp.

b) Thời vụ trồng cây phân tán: có thể linh hoạt thời gian thực hiện, tuy nhiên cần thực hiện vào thời điểm có thời tiết thuận lợi và phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của tỉnh đồng thời gắn với dịp sinh nhật Bác (19/5) và Tết cổ truyền của dân tộc.

1.5. Về kỹ thuật trồng, chăm sóc: thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Những loài cây chưa có hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc Chi cục Kiểm lâm tham mưu, ban hành hướng dẫn kỹ thuật tạm thời để thực hiện.

1.6. Chi phí khuyến lâm bao gồm: công tác phí cho cán bộ, CCVC của cơ quan được UBND huyện giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện và chi phí thuê lao động kỹ thuật (nếu có) trong việc hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng, kiểm tra, đôn đốc, báo cáo tình hình trồng, chăm sóc rừng; kinh phí thiết kế, in ấn tài liệu, tờ rơi phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng… Cơ quan được giao nhiệm vụ có thể thuê lao động kỹ thuật để thực hiện công tác khuyến lâm.

1.7. Liên kết trong trồng rừng sản xuất: phải có hợp đồng liên kết được UBND xã xác nhận; có kế hoạch liên kết được các bên tham gia liên kết thông qua và UBND cấp huyện có văn bản chấp thuận. Hợp đồng liên kết phải có ít nhất 3 khâu: khâu cung ứng giống, vật tư; khâu chăm sóc thành rừng và công tác khuyến lâm; khâu phân chia tiêu thụ sản phẩm.

1.8. Công tác phúc tra, kiểm tra của sở Nông nghiệp và PTNT

Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức phúc tra, kiểm tra diện tích trồng rừng mới, trồng bổ sung, chăm sóc rừng trồng: bảo đảm tối thiểu 10% diện tích do tổ hợp tác, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân trồng. Chi cục Kiểm lâm là cơ quan được sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao thực hiện, hàng năm xây dựng kế hoạch và tiến hành phúc tra, kiểm tra cụ thể chi tiết đến đơn vị lô rừng trồng, báo cáo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt làm cơ sở thực hiện.

2. Hướng dẫn một số nội dung thực hiện trồng Quế

2.1. Xác định, lựa chọn vùng trồng

a) Lựa chọn vùng trồng mới:

Lựa chọn vùng trồng có điều kiện tương đồng với những diện tích cây Quế sinh trưởng, phát triển tốt đã được trồng trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020 và đảm bảo những điều kiện sau:

- Về độ cao: Trồng tại những nơi có độ cao ≤ 800 m so với mực nước biển.

- Về đất đai: Quế sinh trưởng và phát triển tốt trên hầu hết các loại đất feralit giàu mùn phát triển trên các loại đá mẹ như gnai, granit, phiến thạch, micasit. Thành phần cơ giới thịt trung bình hoặc thịt nhẹ, hàm lượng mùn >2,5%, tầng đất dày ≥ 70cm, xốp ẩm, đất còn tính chất đất rừng, thoát nước tốt, đất chua với độ pHKCl từ 4 - 5,5 giàu đạm dễ tiêu (N ≥ 5 mg/100g đất) và Kali dễ tiêu (K2O ≥ 5mg/100g đất). Quế không thích hợp ở các khu vực có cây bụi chỉ thị đất thoái hoá như Chổi xể, Sim, Mua chiếm ưu thế, đất khô, nghèo dinh dưỡng, đất đá ong hóa, đất chua phèn, đất ngập nước và đất đá vôi khô.

- Về điều kiện khí hậu, thời tiết: Nhiệt độ thích hợp bình quân từ 20 - 210C, tối cao khoảng 380C tối thấp khoảng 100C; Lượng mưa từ 1.800 - 2.000 mm/năm.

b) Xác định vùng trồng dặm, trồng bổ sung diện tích trồng Quế đã được nghiệm thu, thanh toán từ năm 2018 đến năm 2020 của các hộ gia đình, cá nhân:

- UBND các huyện thành lập Hội đồng đánh giá, xác định vùng trồng dặm, trồng bổ sung. Thành phần hội đồng gồm: Lãnh đạo và chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện lãnh đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch; Đại diện lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện và cán bộ Kiểm lâm địa bàn; Đại diện lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Đề án phát triển cây Quế trong giai đoạn 2018 - 2020; Đại diện lãnh đạo UBND cấp xã; Trưởng bản và hộ nhận khoán trồng Quế.

- Hội đồng đánh giá, xác định vùng trồng dặm, trồng bổ sung có nhiệm vụ: thực hiện kiểm tra, đánh giá, xác định tỷ lệ cây sống hiện còn theo từng lô, từng hộ trồng Quế đã nghiệm thu, thanh toán và đề xuất tỷ lệ trồng dặm, trồng bổ sung tại những lô có khả năng trồng, chăm sóc, bảo vệ đảm bảo thành rừng theo quy định. Đối với những lô có tỷ lệ cây sống nhỏ hơn 30% trước khi Hội đồng xem xét, đề xuất tỷ lệ trồng bổ sung cần xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn tới tình trạng cây Quế bị chết. Tỷ lệ cây sống hiện còn của từng lô, từng hộ trồng Quế phải được thể hiện trong biên bản làm việc của Hội đồng và là tài liệu phục vụ công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán.

- Trước khi đưa lô trồng dặm, trồng bổ sung vào hồ sơ thiết kế, dự toán, đơn vị xây dựng thiết kế, dự toán phải yêu cầu hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng ký cam kết đảm bảo diện tích thực hiện trồng dặm, trồng bổ sung thành rừng; nếu diện tích thực hiện trồng dặm, trồng bổ sung không thành rừng thì phải hoàn trả tiền hỗ trợ cho ngân sách. Bản cam kết phải có xác nhận của UBND cấp xã, cơ quan quản lý về nông - lâm nghiệp cấp huyện, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện. Tùy theo điều kiện cụ thể, thiết kế trồng dặm, trồng bổ sung không nhất thiết phải bằng mật độ trồng ban đầu, nhưng tỷ lệ cây sống thành rừng phải bảo đảm 75% theo thiết kế trồng dặm, trồng bổ sung.

- Phương pháp xác định tỷ lệ cây sống hiện còn: Sử dụng phương pháp lập ô tiêu chuẩn (sau đây gọi là OTC). Lập OTC hình tròn có diện tích tối thiểu 100 m­2 trên tuyến đại diện của lô kiểm tra, số lượng OTC được quy định như sau:

+ Diện tích lô dưới 3 ha: 10 OTC;

+ Diện tích lô từ 3 đến dưới 5 ha: 15 OTC;

+ Diện tích lô từ 5 ha trở lên: tối thiểu 20 OTC.

Đếm số lượng cây sống trong OTC, tính ra tỷ lệ phần trăm số cây sống so với mật độ cây trồng theo thiết kế.

2.2. Các nội dung hỗ trợ đối với các diện tích trồng mới

a) Hỗ trợ cây giống trồng mới năm đầu

Hỗ trợ cây giống trồng mới năm đầu tối đa 5.000 cây/ha; khuyến khích tự đầu tư trồng thêm để đạt mật độ đến 10.000 cây/ha. Những diện tích có tỷ lệ đá lộ đầu cao, độ dốc lớn có thể thiết kế trồng với mật độ thấp hơn nhưng tối thiểu phải đảm bảo từ 2.000 cây/ha trở lên, Nhà nước hỗ trợ theo mật độ thiết kế trồng được phê duyệt.

b) Hỗ trợ cây giống trồng dặm năm thứ 2: Số lượng cây giống trồng dặm được hỗ trợ tối đa 10% của mật độ thiết kế trồng. Trường hợp tỷ lệ cây giống trồng dặm lớn hơn 10%, chủ rừng phải tự mua cây giống bổ sung để đảm bảo mật độ theo thiết kế.

c) Hỗ trợ phân bón: Hỗ trợ một phần chi phí phân bón NPK hoặc phân hữu cơ vi sinh để thực hiện bón lót và bón thúc theo quy trình kỹ thuật. Bắt đầu từ năm 2022, bón phân là mục bắt buộc phải thực hiện trong biện pháp lâm sinh trồng rừng đối với loài cây Quế; trường hợp không thực hiện bón phân sẽ không được thanh toán chi phí hỗ trợ trồng, chăm sóc theo quy định.

d) Hỗ trợ chăm sóc rừng trồng: Chăm sóc năm thứ 2 (cây giống trồng dặm, phân bón thúc, phát chăm sóc, cuốc xới đất vun gốc); chăm sóc năm thứ 3 (phát chăm sóc, cuốc xới đất vun gốc); chăm sóc năm thứ 4 (phát chăm sóc, cuốc xới đất vun gốc).

đ) Hỗ trợ công lao động trồng, chăm sóc: Mức hỗ trợ là số tiền còn lại sau khi đã trừ chi phí hỗ trợ cây giống trồng mới, cây giống trồng dặm và phân bón.

3. Hướng dẫn một số nội dung thực hiện trồng rừng sản xuất các loài cây khác

3.1. Lựa chọn vùng trồng: Vùng lựa chọn trồng cây, trồng rừng phải có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đai cao phù hợp với đặc tính sinh thái học của cây trồng.

3.2. Các nội dung hỗ trợ

a) Hỗ trợ cây giống trồng mới năm đầu: Hỗ trợ cây giống trồng mới năm đầu theo mật độ trồng quy định tại định mức kinh tế - kỹ thuật của từng loài cây trồng do UBND tỉnh ban hành; đối với những loài cây không có trong định mức kinh tế - kỹ thuật, mật độ trồng thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật do cấp có thẩm quyền ban hành. Trường hợp cây giống trồng rừng có tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn tiêu chuẩn cây giống quy định tại định mức kinh tế - kỹ thuật, bảo đảm tỷ lệ trồng cây sống cao, có thể thực hiện thiết kế trồng với mật độ thấp hơn từ 25% - 40% so với mật độ quy định tại định mức kinh tế - kỹ thuật; tỷ lệ cây sống nghiệm thu thành rừng phải đạt trên 90% tỷ lệ thiết kế. Mức hỗ trợ tối đa bằng mức hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 08/2021/NQ-HĐND.

b) Hỗ trợ cây giống trồng dặm năm thứ 2: Số lượng cây giống trồng dặm được hỗ trợ tối đa 10% của mật độ thiết kế trồng. Trường hợp tỷ lệ cây giống trồng dặm lớn hơn 10%, chủ rừng phải tự mua cây giống bổ sung để đảm bảo mật độ theo thiết kế.

c) Hỗ trợ chăm sóc rừng trồng: Chăm sóc năm thứ 2 (cây giống trồng dặm, phát chăm sóc, cuốc xới đất vun gốc); chăm sóc năm thứ 3 (phát chăm sóc, cuốc xới đất vun gốc); chăm sóc năm thứ 4 (phát chăm sóc, cuốc xới đất vun gốc).

d) Hỗ trợ công lao động trồng, chăm sóc: Mức hỗ trợ là số tiền còn lại sau khi đã trừ chi phí hỗ trợ cây giống trồng mới, cây giống trồng dặm. Mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND.

3.3. Dự toán trồng rừng

Dự toán phải được tính toán dự trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật hiện hành, các hạng mục chi phí gồm:

- Chi phí trực tiếp

+ Chi phí trồng rừng (năm trồng), gồm: Chi phí nhân công (chuẩn bị hiện trường trồng rừng: phát dọn thực bì, cuốc hố, lấp hố. Trồng, chăm sóc năm trồng: vận chuyển và trồng, phát chăm sóc, cuốc xới đất, vun gốc; chi phí cây giống trồng rừng.

+ Chi phí chăm sóc rừng trồng: Chăm sóc năm thứ 2 (cây giống trồng dặm; phát chăm sóc, cuốc xới đất vun gốc); chăm sóc năm thứ 3 (phát chăm sóc, cuốc xới đất vun gốc); chăm sóc năm thứ 4 (phát chăm sóc, cuốc xới đất vun gốc).

- Chi phí khuyến lâm; chi phí khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng liên kết; chi phí quản lý.

4. Hướng dẫn một số nội dung trồng rừng phòng hộ, đặc dụng

4.1. Đối tượng nhận khoán trồng rừng phòng hộ, đặc dụng

Đối tượng nhận khoán trồng rừng phòng hộ, đặc dụng là tổ hợp tác, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa phương hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã nếu có nhu cầu thực hiện.

4.2. Dự toán trồng rừng phòng hộ

Dự toán phải được tính toán dự trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật hiện hành, các hạng mục chi phí gồm:

- Chi phí trực tiếp

+ Chi phí trồng rừng (năm trồng), gồm: Chi phí nhân công (chuẩn bị hiện trường trồng rừng: phát dọn thực bì, cuốc hố, lấp hố. Trồng, chăm sóc năm trồng: vận chuyển và trồng, phát chăm sóc, cuốc xới đất, vun gốc); chi phí phân bón lót; chi phí cây giống trồng rừng.

+ Chi phí chăm sóc rừng trồng: Chăm sóc năm thứ 2 (cây giống trồng dặm; bón thúc; phát chăm sóc, cuốc xới đất vun gốc); chăm sóc năm thứ 3 (phát chăm sóc, cuốc xới đất vun gốc); chăm sóc năm thứ 4 (phát chăm sóc, cuốc xới đất vun gốc).

- Chi phí khuyến lâm; chi phí khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng giao khoán trồng rừng; chi phí quản lý.

5. Hướng dẫn một số nội dung trồng cây phân tán

5.1. Xác định, lựa chọn vùng trồng cây phân tán: Thực hiện trồng cây phân tán ven hệ thống đường giao thông nông thôn, các tuyến đường liên xã, liên thôn, liên bản, đường giao thông nội đồng vùng chè và cây trồng lâu năm khác; khuôn viên trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan nhà nước, công trình tín ngưỡng, công viên, công trình công cộng khác; vườn nhà, kênh mương, bờ vùng, bờ thửa; nương rẫy, các lô đất có diện tích nhỏ hơn 0,3 ha quy hoạch cho phát triển nông, lâm nghiệp.

5.2. Loài cây, tiêu chuẩn cây giống trồng cây phân tán: Sử dụng loài cây trồng lâm nghiệp có độ tuổi từ 16 - 18 tháng tuổi trở lên, có chiều cao vút ngọn (Hvn) từ 70 cm trở lên và đường kính cổ rễ (Dcr) từ 0,7 cm trở lên.

5.3. Đơn giá cây giống: thực hiện theo quy định thông báo của cơ quan có thẩm quyền.

5.4. Xây dựng kế hoạch trồng cây phân tán

a) Hàng năm tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đăng ký thực hiện trồng cây phân tán với UBND cấp xã.

b) Miêu tả địa điểm đăng ký trồng

- Đối với thực hiện trồng tại các tuyến đường giao thông, trồng dọc kênh mương, bờ vùng, bờ thửa cần xác định điểm đầu và điểm cuối, địa điểm, địa chỉ đăng ký thực hiện.

- Đối với khuôn viên trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan nhà nước, công trình tín ngưỡng, công trình công cộng khác, vườn nhà cần thể hiện địa chỉ rõ ràng.

- Đối với nương rẫy, các lô đất có diện tích nhỏ hơn 0,3 ha quy hoạch cho phát triển nông, lâm nghiệp cần định vị 01 điểm tại tâm lô đất.

 c) Danh sách thống kê số lượng cây trồng phân tán theo đối tượng và địa điểm đăng ký trồng do UBND cấp xã lập kèm theo tờ trình đăng ký kế hoạch trồng cây phân tán của UBND cấp xã gửi UBND cấp huyện.

d) UBND các huyện, thành phố giao cơ quan chuyên môn cấp huyện kiểm tra, thẩm định, UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch trồng cây phân tán hàng năm làm cơ sở triển khai thực hiện.

5.5. Nội dung, phương pháp nghiệm thu hỗ trợ trồng cây phân tán

a) Nội dung nghiệm thu: số lượng cây; loài cây trồng; công tác chăm sóc cây trồng; tình trạng sinh trưởng của cây trồng.

b) Phương pháp nghiệm thu: Nghiệm thu từng cây; Cây trồng được nghiệm thu là cây trồng đúng loài cây theo đăng ký, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và được chăm sóc đảm bảo kỹ thuật.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các huyện, thành phố và các đơn vị, cá nhân kịp thời phản ánh bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét hướng dẫn sửa đổi, bổ sung phù hợp./.

 

THƯ VIỆN VIDEO
Phó Chủ tịch Hội NDVN Nguyễn Xuân Định gợi mở 5 vấn đề tại ĐHĐB Hội Nông dân tỉnh Lai Châu
  • Phó Chủ tịch Hội NDVN Nguyễn Xuân Định gợi mở 5 vấn đề tại ĐHĐB Hội Nông dân tỉnh Lai Châu
  • Hướng tới giải Marathon báo Tiền phong lần thứ 64 tại tỉnh Lai Châu
  • Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đối thoại với hộ sản xuất kinh doanh giỏi và cán bộ, hội viên nông dân
  • Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (Part 02)
  • Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (Part 01)
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

HỘI NÔNG DÂN TỈNH LAI CHÂU

Trụ sở cơ quan: Tầng 6, Nhà C, Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh Lai Châu

Điện thoại: 02133876428     Fax:

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Trịnh Văn Tám - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Giấy phép số: 47/GP - TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lai Châu cấp ngày 24/08/2020

Ghi rõ nguồn khi sử dụng thông tin trên website này

Email: bbthndlaichau@gmail.com - Website : http://hoinongdan.laichau.gov.vn/ - Facebook: https://www.facebook.com/hoinongdantinhlaichau/

Đăng nhập hệ thống

Chung nhan Tin Nhiem Mang