Xuất thân gia đình nông dân nghèo nên giống bao bạn cùng trang lứa, việc học hành của anh Lù A Dao (SN 1981) ở bản Gia Khâu, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường không như ý muốn. Tuy nhiên, dám nghĩ dám làm, anh Dao đã xây dựng được cơ nghiệp nhiều nông dân trong bản mơ ước.
Chúng tôi đến thăm gia đình khi anh Dao vừa đi làm đồng về. Theo anh, đang vào vụ cấy lúa mùa nên những ngày này, cả gia đình đều ra đồng và tranh thủ thời tiết đang có mưa để hoàn thành gieo cấy sớm nhất. Năm nay, gia đình anh gieo cấy 6.000m2 lúa. Đã nhiều năm, anh chủ động đưa giống lúa mới: hương thơm, nghi hương vào trồng, chú trọng khâu chăm sóc, đảm bảo đủ nước tưới, phòng trừ sâu bệnh nên đều đặn thu về 3 tấn lúa/vụ. Cùng diện tích đó, vụ đông xuân thiếu nước, thay vì bỏ không anh trồng ngô và làm thêm hơn 1ha trên đất nương, 1ha sắn.
Được biết, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đều của bố mẹ chia làm của hồi môn và vợ chồng anh khai hoang thêm. Không phải đất “nhả vàng” ngay, những năm đầu khai phá gia đình anh cũng từng thất bát nhiều vụ sản xuất, bởi thiếu kinh nghiệm chăm sóc, chọn giống. Anh chủ động tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mô hình thí điểm, dạy nghề ngắn hạn về trồng trọt, chăn nuôi.
Với nhiều kiến thức mới, trước khi áp dụng, anh Dao nghiên cứu kỹ địa hình, điều kiện đặc thù địa phương để chuyển đổi, lựa chọn cây giống phù hợp. Quá trình sản xuất, vừa áp dụng vào thực tiễn, anh còn tìm hiểu trên sách, báo, cán bộ khuyến nông xã, nắm bắt kịp thời tình hình diễn biến bệnh dịch trên cây trồng để sớm phòng trừ. Những năm gần đây, mùa vụ cơ bản đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng, giúp gia đình anh dư thừa lương thực đầu tư mở rộng chăn nuôi hoặc bán ra thị trường.
Đối với chăn nuôi, anh lựa chọn giống lợn địa phương vì giá thành cao, ổn định, khá phàm ăn. Chủ động nguồn con giống, anh nuôi 2 con lợn nái, nhờ đó, trong chuồng lúc nào cũng có 17 con lợn nuôi thịt và mỗi năm xuất chuồng 3 lứa. Chăn nuôi nhiều, anh đặc biệt quan tâm đảm bảo vệ sinh môi trường. Chất thải được dồn vào hố ủ với trấu làm phân bón cho cây trồng. Chuồng nuôi xây dựng kiên cố và rửa nền thường xuyên.
Theo kinh nghiệm của anh Dao, chăn nuôi nhiều không tránh khỏi những lúc lợn bị bệnh, dịch. Bởi vậy, anh tìm hiểu và nắm vững kiến thức về cách phòng, chống các loại bệnh thường gặp như: tiêu chảy, tụ huyết trùng, lợn tai xanh... Thường xuyên theo dõi biểu hiện, sự phát triển của lợn để sớm tìm ra nguyên nhân và hướng chữa trị, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Phục vụ nhu cầu xay xát nông sản của gia đình và dân bản, anh đầu tư gần 20 triệu đồng mua máy móc. Công việc này đòi hỏi phải thường trực ở nhà nên anh sắp xếp công việc đồng áng hợp lý để đảm bảo phục vụ tốt nhất khi dân bản cần.
Được biết thêm, gia đình anh Dao hiện có hơn 1ha thảo quả và chuyển đổi một phần đất nương trồng cây mắc ca. Đợt rét đậm cuối năm 2015 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích thảo quả khiến nguồn thu giảm mạnh. Anh mất nhiều công chăm sóc, trồng dặm để phục hồi diện tích, năm 2018 thảo quả bắt đầu được thu khoảng 10 triệu đồng; diện tích mắc ca cũng cho quả bói.
Không chỉ làm kinh tế hiệu quả, anh Dao còn tiên phong, gương mẫu trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Hiện anh là thành viên tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản. Đồng thời, góp ngày công lao động làm đường giao thông nội bản, xây dựng hố rác chung để bảo vệ môi trường.
Anh Tẩn A Thi - Trưởng bản Gia Khâu khẳng định: Anh Dao từ khi còn rất trẻ đã năng động tìm hướng phát triển kinh tế mới, hiệu quả; tham gia các hoạt động, phong trào do đoàn thể bản, địa phương phát động. Lập gia đình, vợ chồng hòa thuận, bảo ban nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc. Đây là tấm gương để thanh niên trong bản học tập, noi theo.
Thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm; nhiều năm liền được công nhận gia đình văn hóa là “trái ngọt” từ sự nỗ lực, vượt khó, khẳng định tinh thần “không có việc gì khó” của nông dân Lai Châu.