Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 6 năm 2021 đến nay, chủng virút cúm gia cầm (CGC) thể độc lực cao A/H5N8 đã xâm nhiễm vào Việt Nam và xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện chủng này, nhưng nhận thức rõ mức độ nguy hiểm, các cơ quan chuyên môn cùng các địa phương đã chủ động các phương án phòng chống dịch CGC A/H5N8 hiệu quả.
Thành phố là nơi tập trung giao thương hàng hóa nên lượng gia cầm nhập vào địa bàn rất lớn, UBND thành phố đã chỉ đạo kiểm soát dịch bệnh ngay từ ban đầu. Chị Hoàng Thị Thanh - Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lai Châu cho biết: Thành phố hiện có trên 93 nghìn con gia cầm. Để công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả, Phòng phối hợp với chính quyền địa phương các xã, phường tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Vận động người dân tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh; vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh theo quy định. Hàng ngày tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi.
Mô hình nuôi gà của hộ dân phường Tân Phong (thành phố Lai Châu).
Là một trong những hộ chăn nuôi gia cầm lớn, gia đình chị Nguyễn Thị Hà (tổ dân phố số 23, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu) thường xuyên chăn nuôi và bán giống các loại gia cầm với số lượng từ 1.000 - 2.000 con gà, vịt mỗi năm. Chăn nuôi với số lượng lớn nên gia đình chị Hà luôn quan tâm đến công tác phòng dịch cho gia cầm. Chị Hà chia sẻ: Khi biết tin dịch CGC xuất hiện tại một số tỉnh nên tôi chủ động phòng và nhập những nơi có nguồn giống đảm bảo an toàn. Gia cầm thường hay bị dịch cúm, đặc biệt trong những ngày giao mùa. Hiện nay, thời tiết nắng nóng gay gắt nên gia đình tôi chủ động cung cấp đủ nước sạch cho gà, vịt uống cả ngày; bổ sung, cung cấp thêm vitamin C và các chất điện giải vào chế độ dinh dưỡng giúp gà, vịt giải nhiệt, tăng sức đề kháng. Đặc biệt mỗi năm phải tiêm phòng cúm cho đàn gia cầm. Nhờ đó, đàn gia cầm của gia đình tôi luôn sinh trưởng và phát triển tốt.
Trên địa bàn tỉnh dịch CGC A/H5N8 vẫn được khống chế, tuy nhiên với phương thức chăn nuôi gia cầm chủ yếu là nhỏ lẻ, chưa đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, vẫn phải nhập một lượng lớn gia súc, gia cầm từ các tỉnh khác để đảm bảo nhu cầu thực phẩm trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh còn có chung đường biên giới dài với Trung Quốc, các hoạt động giao lưu thương mại, phương tiện, công dân qua lại giữa 2 bên biên giới vẫn diễn ra thì nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm, lây lan, bùng phát vào địa bàn tỉnh không thể tránh khỏi.
Anh Phạm Anh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh trước những nguy cơ lây nhiễm CGC vào địa bàn tỉnh, Chi cục địa phương phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện nhiều giải pháp phòng chống như: Tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh; có kế hoạch chủ động lấy mẫu giám sát để kịp thời phát hiện dịch bệnh; xây dựng phương án, kinh phí dự phòng khi có dịch xảy ra; tuyên truyền, phổ biến cho Nhân dân về nguy cơ và mức độ nguy hiểm của các chủng vi rút gia cầm mới, các giải pháp chủ động phòng tránh; tiếp tục thành lập và duy trì các tổ, đội tuần tra cơ động liên ngành nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm vào địa bàn, nhất là tại các huyện biên giới và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...
Cùng với đó, tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, địa bàn giáp ranh để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc theo quy định. Lấy mẫu để xét nghiệm chủng vi rút CGC A/H5N8 và một số chủng vi rút nguy hiểm khác như: A/H5N1, H5N6. Các địa phương giáp biên giới cần thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, các chợ, các điểm, cơ sở buôn bán, tập kết gia cầm, cơ sở giết mổ,...) về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật...
Anh Phạm Anh Hùng nhấn mạnh thêm: Nếu phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với virút cúm A/H5N8, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh do các chủng virút cúm A/H5N8, H5N1, H5N6 cần xử lý tiêu hủy gia cầm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Đồng thời, tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Người chăn nuôi gia cầm cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng bệnh, thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc; tiêm vắc-xin phòng bệnh CGC đầy đủ cho đàn gia cầm. Các địa phường đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nhất là đối với những người thường xuyên qua lại khu vực biên giới, khách du lịch và người chăn nuôi hiểu rõ về sự nguy hiểm của chủng virút CGC A/H5N8 để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống; ngăn chặn nguy cơ virút cúm A/H5N8 xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh.
Nguồn: http://baolaichau.vn/