Anhbanner1
Phong Thổ phát triển đàn gia súc
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Phong Thổ tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích Nhân dân trên địa bàn mở rộng quy mô chăn nuôi, phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa. Qua đó, duy trì tốc độ tăng trưởng đàn vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi gia súc được người dân trên địa bàn huyện Phong Thổ quan tâm hơn. Bởi đây là lĩnh vực không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm tươi sống hàng ngày mà còn tạo việc làm ổn định, mang lại nguồn thu nhập lớn; nhất là đang trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều lao động ở nông thôn khó có thể đi làm thuê ở các tỉnh, thành trong cả nước.

Anh Tẩn Sài Diếu (bản Nhóm 1, xã Vàng Ma Chải) chia sẻ: Trước đây, vợ chồng tôi đi làm thuê ở Trung Quốc để có tiền nuôi con học. Nhưng từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, vợ chồng tôi không đi làm được. Được lãnh đạo Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, xã quan tâm tuyên truyền, vận động triển khai mô hình nuôi dê, tận dụng diện tích đất đồi núi, vợ chồng tôi dựng lán làm chuồng trại để nuôi. Cùng với 3 con dê được hỗ trợ, gia đình tôi mua thêm 11 con dê. Ngoài ra, tôi còn mua 6 con lợn nái, nuôi để bán giống. Hàng ngày, vợ chồng tôi lùa đàn dê đi ăn vào buổi sáng, tối lùa về chuồng; lấy rau rừng nấu cám cho lợn; chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo đúng hướng dẫn của cán bộ. Đến nay qua gần 3 tháng nuôi, dê, lợn phát triển rất tốt, trong đó có 3 con dê sang tháng sẽ sinh dê con; lợn cũng tới thời kỳ phối giống. Vợ chồng tôi rất mừng khi có việc làm ổn định, sắp được hái "trái ngọt" do công sức mình bỏ ra.

Người dân xã Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ) chăm sóc đàn dê.

Người dân xã Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ) chăm sóc dê.

Huyện Phong Thổ có 17 xã, thị trấn. Thời gian qua, để phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã triển khai nhiều giải pháp mang tính chiến lược lâu dài. Trong đó, hàng năm, huyện chủ động ban hành các văn bản triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh, phòng chống đói rét trên đàn vật nuôi. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện… phối hợp với UBND các xã tiến hành khảo sát, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung cho từng xã; dựa trên điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, lựa chọn các loại gia súc phù hợp phát triển quy mô đàn.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vương Thế Mẫn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: UBND huyện chỉ đạo các xã vùng cao biên giới tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển chăn nuôi đại gia súc tập trung gắn với thực hiện Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh trong việc hỗ trợ trồng cỏ làm nguồn thức ăn xanh. Các xã vùng thấp xem xét tình hình dịch bệnh tả lợn Châu phi để xây dựng kế hoạch tái đàn lợn theo quy trình mới với phương châm “Chăn nuôi tập trung và kiểm soát dịch bệnh”. Các xã chú trọng phát triển đàn ngựa, trâu, bò, theo hướng liên kết với hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp để tăng sản lượng thịt cung cấp ra thị trường. Đồng thời, huyện kêu gọi, tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển đàn gia súc trên địa bàn xã có tiềm năng, lợi thế. Hàng năm, huyện đối ứng 1,2 tỷ đồng với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho người dân, HTX, doanh nghiệp vay vốn ưu đãi phát triển đàn vật nuôi, nhất là tăng quy mô, số lượng đàn gia súc.

Cùng với đó, huyện khuyến khích các hộ dân, các cơ sở chăn nuôi theo hình thức công nghiệp khép kín, thâm canh, an toàn sinh học, phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Phát triển chăn nuôi gia súc gắn với phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn; áp dụng công nghệ sinh học xử lý phụ phẩm sau chăn nuôi nhằm cung cấp phân bón cho trồng trọt. Lựa chọn giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, nguồn gốc rõ ràng đưa vào nuôi để đạt hiệu quả cao.

Chị Hảng Thị Dính (bản Sân Bay, xã Sin Suối Hồ) cho hay: Gia đình tôi nuôi 4 con trâu, 2 con lợn theo hình thức nuôi nhốt tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng dịch bệnh. Nhờ chăn nuôi trâu, bò, gia đình tận dụng được ít phân để bón ruộng, giảm được phần nào chi phí mua phân bón. Mỗi năm, lãi được mấy chục triệu đồng từ bán trâu, gia đình có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Đặc biệt, cuối tháng 6 đến đầu tháng 8 vừa qua, trên địa bàn 2 xã: Mường So, Bản Lang, dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát. Trước nguy cơ dịch bệnh lây lan sang các xã trên địa bàn, huyện Phong Thổ tích cực chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND 2 xã vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi có lợn bị nhiễm bệnh thực hiện nghiêm quy trình tiêu hủy lợn, đảm bảo vệ sinh môi trường. Khi bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò xuất hiện tại một số địa phương trong tỉnh vào cuối tháng 5, huyện chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức các lớp tập cho nhân viên thú y; hướng dẫn và đôn đốc UBND các xã, thị trấn tổ chức tiêm phòng, tuyên truyền phòng chống bệnh.

Ngoài ra, các xã, thị trấn duy trì thường xuyên công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với các cơ sở kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua chia sẻ của lãnh đạo UBND xã Mường So, chúng tôi được biết, chợ của xã có quy mô lớn nhất huyện, cung cấp lượng lớn nguồn thực phẩm tươi sống cho người dân các xã lân cận như: Khổng Lào, Hoang Thèn, Bản Lang, Nậm Xe. Chợ có khoảng 10 cơ sở giết mổ lợn, gần 20 tiểu thương bán thịt các loại gia súc. Hàng năm, xã tổ chức ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường với các cơ sở giết mổ; tuyên truyền các hộ kinh doanh bán thịt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm của đơn vị chức năng. Phối hợp với các sở, ngành, lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh, giết mổ theo chương trình công tác.

Được biết, từ đầu năm đến nay, huyện Phong Thổ đã phát 1.600 tờ rơi tuyên truyền phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Tổ chức tiêm trên 25 nghìn liều vắc-xin phòng viêm da nổi cục, lở mồm long móng, tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò; hơn 23 nghìn vắc-xin tụ huyết trùng, dịch tả trên đàn lợn.

Với nhiều giải pháp, đến nay, huyện đã thực hiện quy hoạch 8 cơ sở chăn nuôi với quy mô tập trung tại các xã: Mù Sang, Vàng Ma Chải, Pa Vây Sử, Nậm Xe, Mường So, Hoang Thèn, Ma Li Pho và thị trấn Phong Thổ. 9 tháng đầu năm nay, tổng đàn gia súc toàn huyện đạt 38.495 con, trong đó, đàn trâu, bò dê hơn 13.500 con; đàn lợn gần 25 nghìn con; tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 2,42% (tăng 0,12% so với 9 tháng cùng kỳ năm trước).

Nguồn: Đinh Đông - http://baolaichau.vn

THƯ VIỆN VIDEO
Phó Chủ tịch Hội NDVN Nguyễn Xuân Định gợi mở 5 vấn đề tại ĐHĐB Hội Nông dân tỉnh Lai Châu
  • Phó Chủ tịch Hội NDVN Nguyễn Xuân Định gợi mở 5 vấn đề tại ĐHĐB Hội Nông dân tỉnh Lai Châu
  • Hướng tới giải Marathon báo Tiền phong lần thứ 64 tại tỉnh Lai Châu
  • Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đối thoại với hộ sản xuất kinh doanh giỏi và cán bộ, hội viên nông dân
  • Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (Part 02)
  • Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (Part 01)
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

HỘI NÔNG DÂN TỈNH LAI CHÂU

Trụ sở cơ quan: Tầng 6, Nhà C, Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh Lai Châu

Điện thoại: 02133876428     Fax:

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Trịnh Văn Tám - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Giấy phép số: 47/GP - TTĐT, do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lai Châu cấp ngày 24/08/2020

Ghi rõ nguồn khi sử dụng thông tin trên website này

Email: bbthndlaichau@gmail.com - Website : http://hoinongdan.laichau.gov.vn/ - Facebook: https://www.facebook.com/hoinongdantinhlaichau/

Đăng nhập hệ thống

Chung nhan Tin Nhiem Mang