Quyết tâm vươn lên, anh Tòng Văn Viện (SN 1975, bản Bó Lun 1, xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên) chủ động đổi thay phương thức sản xuất; vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua tổ chức Hội Nông dân xã để gây dựng cơ ngơi khiến nhiều hội viên mơ ước.
Theo lời giới thiệu của chị Lò Thị Hoa - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Bó Lun 1, chúng tôi đến thăm gia đình anh Viện - điển hình sử dụng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện đạt hiệu quả cao. Trong ngôi nhà 2 tầng khang trang, thiết kế đẹp mắt, anh Viện khiêm tốn khi chúng tôi tỏ ý khen ngợi sự nỗ lực vươn lên của gia đình: Mình là trụ cột, để vợ con khổ không đành. Bản thân thất học, phải cố cho các con theo đuổi ước mơ, sau này có nhiều cơ hội đổi thay cuộc sống. Và, quan trọng hơn cả là nguồn vốn vay ngân hàng đã giúp tôi có thêm điểm tựa để vươn lên.
Trong câu chuyện, chúng tôi được biết, lập gia đình khá sớm (18 tuổi), mặc dù đất đai có lại chăm chỉ làm ăn nhưng vì tuổi trẻ, thiếu kinh nghiệm sản xuất nên nông sản chỉ đủ ăn và phục vụ chăn nuôi nhỏ. Năm 2008, anh đầu tư máy xay xát phục vụ nhu cầu của bà con trong bản. Đồng thời tham khảo, học tập kinh nghiệm sản xuất tại địa phương chuyển đổi cơ cấu giống lúa, ngô.
Tích lũy có thêm chút vốn, anh quyết định phát triển chăn nuôi lợn nái để bán con giống và nuôi thương phẩm. Năm 2014, thông qua tổ chức Hội Nông dân xã, anh vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện đầu tư xây chuồng và mua một đàn lợn giống về nuôi gây nái. Bởi theo anh, trong quá trình nuôi sẽ lựa chọn được lợn mẹ đảm bảo chất lượng. Với 2 con lợn nái, anh tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc, phòng bệnh.
Anh Viện chăm sóc đàn lợn.
Theo kinh nghiệm của anh Viện, thức ăn cho lợn là cám gạo, ngô nấu trộn với rau xanh. Tăng thêm bữa ăn cho lợn mẹ trong quá trình nuôi con bú, tiêm phòng định kỳ đối với lợn con. Theo dõi sát sao quá trình phát triển để kịp thời can thiệp, chữa trị khi lợn có dấu hiệu chán ăn, bỏ bú. Giảm chi phí đầu tư chăn nuôi, anh trồng thêm ngô (thu 1 tấn hạt/năm). Đối với cây lúa, chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng nếp tan Cò Giàng trong vụ mùa còn vụ đông xuân cấy giống séng cù, nếp 97. Đây đều là những loại giống chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.
Anh Viện chia sẻ: Đối với giống nếp tan Cò Giàng, có thể do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên chất lượng gạo dẻo, thơm, được thị trường ưa chuộng. Tính bình quân giá bán 20.000 đồng/kg thóc, mỗi bao tôi thu về 1 triệu đồng. Riêng vụ mùa năm 2018, gia đình tôi thu 50 bao, trong đó 15 bao để ăn còn lại bán cho thương lái.
Năm 2015, anh vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện 20 triệu đồng mua trâu và trồng chè. Với 10 con trâu nuôi sinh sản, thương phẩm giúp gia đình anh có khoản thu nhập ổn định hằng năm. Tuy nhiên, khi các con lớn rồi vào học chuyên nghiệp vì thiếu nhân lực chăn thả, anh đã bán cả đàn lấy tiền gửi tiết kiệm và xây nhà ở. Hiện nay, anh tập trung chăm sóc 6.000m2 chè, nuôi 2 con lợn nái và đàn lợn thịt trung bình 10 con/lứa, làm dịch vụ xay xát, trồng ngô, lúa với tổng thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm (trừ chi phí).
Có điều kiện kinh tế, anh động viên 2 con (1 trai, 1 gái) cố gắng học tập và tạo điều kiện tốt nhất để các con theo đuổi ước mơ. Con gái lớn của anh năm nay là sinh viên năm thứ 5 Đại học Y Thái Nguyên; con trai thứ 2 cũng hoàn thành nghĩa vụ quân sự và đang làm nhân viên bán hàng tại một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện.
Được biết, anh Viện dự định mở rộng diện tích trồng chè thêm 6.000m2; chăm sóc, bảo vệ thật tốt đàn vật nuôi trước bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan rộng trên địa bàn.
Với sự nỗ lực vươn lên, anh Viện có kinh tế khá giả, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, anh Viện đạt danh hiệu hộ hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, được UBND xã Pắc Ta tặng Giấy khen nông dân có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ năm 2018.