Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học với quy mô từ vài trăm đến vài nghìn con. Đơn cử như Công ty TNHH Một thành viên Quang Tú Lai Châu đã liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi (CPCN) C.P Việt Nam xây dựng trang trại chăn nuôi an toàn sinh học tại xã Bản Giang (huyện Tam Đường), quy mô 3.000 con lợn/lứa. Để mô hình đạt hiệu quả, công ty thiết kế khu chăn nuôi rộng 4.500m2 xây dựng thành 3 chuồng đơn, 6 chuồng kép, độ cao của chuồng đảm bảo 2,3m, các dãy chuồng đều có quạt thông gió, dàn mát và máy đo nhiệt độ để giúp lợn sinh trưởng và phát triển tốt.
Công ty TNHH Quang Tú tổ chức phun khử trùng mỗi khi có xe vào khu vực chăn nuôi.
Thăm trang trại, chúng tôi thấy, toàn bộ bề mặt nền chuồng, hành lang, cổng trại, đường vào trang trại đều được rắc vôi bột và phun khử khuẩn. Mỗi khi có xe chuyên chở vào khu vực chăn nuôi đều phải đi qua hồ lăn vôi và phun khử trùng. Đối với công nhân trước khi bước vào khu vực chuồng nuôi phải ở khu vực cách ly trong vòng 48 giờ và vệ sinh cá nhân sạch sẽ, mặc quần áo bảo hộ, đi ủng đã được khử khuẩn nhằm đảm bảo không mang dịch bệnh từ bên ngoài vào khu vực chăn nuôi.
Anh Ma Văn Chù - cán bộ kỹ thuật của Công ty CPCN C.P Việt Nam cho biết: “Từ khi liên kết với Công ty Quang Tú, tôi được cử đến giám sát kỹ thuật trong quá trình nuôi và xử lý những vấn đề phát sinh. Lợn giống của trang trại đều được công ty chúng tôi cung ứng và có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch. Ngoài ra, nguồn thức ăn, vắc-xin để phòng các bệnh trên lợn như: dịch tả, lở mồm long móng, viêm phổi, tai xanh… đều được công ty chúng tôi cung cấp. Trang trại nuôi lợn của Công ty Quang Tú không bao giờ bị dịch bệnh, bởi trong quá trình chăn nuôi, công ty thực hiện nghiêm công tác phòng bệnh như: xử lý chuồng trại, thức ăn, nước uống và làm sạch môi trường chăn nuôi”. Được biết, hàng năm trang trại nuôi lợn của công ty bán ra thị trường từ 750 - 800 tấn lợn.
Gia đình anh Mai Đình Chinh ở bản Cắng Đắng, xã San Thàng (thành phố Lai Châu) cũng đầu tư, phát triển trang trại chăn nuôi lợn, quy mô từ 1.000 - 1.500 con lợn thịt/lứa và 200 con lợn nái với giống lợn GF24 của Mỹ. Đàn lợn của gia đình anh Chinh không bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhờ thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Trang trại còn thực hiện nghiêm vệ sinh chuồng trại và xử lý chất thải trong chăn nuôi theo quy định của thú y. Nhờ đó, mỗi năm trang trại cung cấp ra thị trường gần 50 tấn lợn, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.
Chưa hết, Công ty TNHH Một thành viên Khánh Hòa (bản Chin Chu Chải, xã San Thàng, thành phố Lai Châu) cũng thực hiện mô hình nuôi lợn an toàn sinh học với quy mô 2.400 con/lứa. Công ty cũng đầu tư xây dựng chuồng trại với các dãy chuồng đều có quạt thông gió, dàn mát, camera giám sát… Quy trình chăn nuôi lợn đều đảm bảo như: kiểm soát người vào khu vực chăn nuôi, quản lý tốt việc vệ sinh và khử trùng chuồng trại… Vì vậy từ khi chăn nuôi, đàn lợn của công ty không bị mắc các loại dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay, trang trại của công ty đã xuất ra thị trường 80 tấn lợn.
Được biết, ngoài các công ty, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn có nhiều doanh nghiệp, công ty như: Doanh nghiệp 24, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thắng Lợi ở huyện Mường Tè, HTX Minh Thuận ở huyện Than Uyên... cũng đầu tư nuôi lợn an toàn sinh học và mang lại hiệu quả cao. Giữa bão dịch tả lợn Châu Phi hoành hành làm nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng thì đàn lợn được nuôi theo hướng an toàn sinh học hoàn toàn khỏe mạnh và cung cấp sản phẩm thường xuyên cho thị trường tiêu thụ.
Đánh giá về các mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, đồng chí Phạm Anh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khẳng định: “So với các hộ nuôi trong khu vực thì chăn nuôi lợn an toàn sinh học đang là cách làm kinh tế hiệu quả nhất, không chỉ ngăn chặn được dịch bệnh từ bên ngoài mà còn đảm bảo vệ sinh môi trường khi các chất thải đều tận dụng làm biogas, phân hữu cơ bón cho cây trồng”.
Nguồn: Ánh Hồng - http://baolaichau.vn