Nhằm giúp người dân trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, cấp ủy, chính quyền xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên) đã kết nối với Công ty rau củ quả Ngọc Linh (tỉnh Sơn La) triển khai tới Nhân dân trong xã mô hình trồng bí xanh. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân cũng như thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Ông Lê Việt Vương – Chủ tịch UBND xã Pắc Ta cho biết: Mô hình trồng cây bí xanh trên đồng đất xã Pắc Ta được cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai bước đầu nhằm tăng cường thay thế những cây trồng trên đất kém hiệu quả, từ đó phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa. Mô hình triển khai từ tháng 2/2021 với 5 hộ tham gia trồng các giống bí: nô va, ki ta, đồng tiền vàng với diện tích 1,1ha. Để duy trì tính bền vững của mô hình, xã Pắc Ta yêu cầu các hộ tham gia cần đảm bảo về nhân lực lao động, có điều kiện đầu tư kinh phí và diện tích đất rộng.
Đến bản Tân Bắc, Liên Hợp vào ngày trời thu trong xanh, chúng tôi thấy những diện tích bí đều phát triển tốt. Tại đây, bà con đang nhanh tay vắt ngọn bí lên giàn leo theo kỹ thuật đã được hướng dẫn trước đó. Nghe bà con kể thì các giống bí này có thời gian sinh trưởng ngắn, đặc ruột, thịt thơm, quả chắc, ăn ngon không bị chua, để được trong thời gian dài mà không lo hỏng.
Khi xã tuyên truyền tới bà con mô hình trồng bí xanh, gia đình ông Nguyễn Văn Hợi bản Tân Bắc đã mạnh dạn đăng ký. Với diện tích đất vườn rộng 1.200m2, hàng năm ông Hợi trồng hoa màu, rau xanh bán ra thị trường. Tuy nhiên các sản phẩm không có đầu mối tiêu thụ, giá bán lại rẻ. Do đó, gia đình ông thường bán cho các thương lái trên địa bàn huyện. Nhiều vụ không bán được đành phải cắt cho gà, vịt ăn mà tiếc công sức chăm sóc, tiền của đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Hợi, bản Tân Bắc thu hoạch bí xanh.
Vui nhất phải kể đến gia đình anh Lý Văn Lai - dân tộc Dao ở bản Liên Hợp. Lâu nay vợ chồng anh vốn quen với lối canh tác tự phát, manh mún, thiếu kỹ thuật. Việc chuyển đổi 7.000m2 đất ngô sang trồng bí xanh là vấn đề nan giải khiến vợ chồng anh không khỏi lúng túng, bàn tính nhiều ngày. Anh Lai kể: Lúc đầu vợ chồng tôi do dự lắm! Tuy chúng tôi đã từng trồng bí xanh nhưng là giống địa phương với lại canh tác không có quy mô, kỹ thuật. Chỉ là trồng tự phát ở mé vườn, rìa nương vài khóm lấy quả phục vụ nhu cầu gia đình, nếu có dôi dư thì bán. Hiện nay, việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, nhất là đang trong tình hình dịch bệnh Covid – 19 phức tạp.
Tuy nhiên được cấp ủy, chính quyền địa phương vận động phân tích, được Công ty hỗ trợ tạo điều kiện cho tạm ứng trước 49 triệu đồng. Gia đình tôi vay mượn thêm 30 triệu đồng làm giàn kiên cố vững chắc sử dụng lâu dài. Qúa trình làm bầu, giàn được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, xã phân công các đoàn thể như: phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên đến giúp ngày công. Với giá giao động từ 3 – 9.000 đồng/kg tùy theo lứa bí đẹp, xấu. Nhờ đó vụ trồng bí đầu tiên gia đình tôi thu hoạch gần 22 tấn, thu về khoảng 100 triệu đồng.
Theo anh Lai, trồng bí đao vất vả ở giai đoạn đầu chăm sóc, phải thường xuyên kiểm tra phòng trừ một số loài côn trùng, bọ xít, ong châm chích khiến quả bí xấu mã bán không được giá. Tuy nhiên, giai đoạn sau lại nhàn, thời gian sinh trưởng khoảng 3 tháng, cây có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, có năng suất chất lượng cao. Điều đặc biệt, cây bí trồng trên diện tích đất trước đây trồng lúa khó chủ động về nguồn nước, nên sẽ khắc phục được tình trạng thiếu nước trong sản xuất. Hơn nữa đến thời điểm thu hoạch bí, Công ty đều chủ động liên hệ đến tận nơi thu mua.
Anh Lai hồ hởi: Nhiều năm trồng lúa, ngô trên mảnh đất này tưởng chừng khó mà thay đổi lối canh tác. Nhưng được tiếp cận với mô hình kinh tế mới, vợ chồng tôi đã hiểu được ý nghĩa của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng của địa phương. Với đà này, thời gian tới tôi định vay thêm tiền để đầu tư làm thêm giàn trồng bí, dưa leo.
Với những tín hiệu khả quan, xã Pắc Ta sẽ tiếp tục vận động người dân mở rộng diện tích trồng bí xanh sang chân ruộng 1 vụ lúa. Đây sẽ là hướng đi mới mang lại thu nhập cao cho nông dân xã Pắc Ta.
Nguồn: Hoài Thương - http://baolaichau.vn