Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đã làm Trưởng Đoàn công tác của UBND tỉnh, trong đó có lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo huyện Mường Tè đi thăm và khảo sát một số vùng sản xuất dược liệu trên địa bàn huyện Mường Tè. Sau khi khảo sát thực địa, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định cây Sâm Lai Châu có nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển, với giá trị đặc biệt quý hiếm và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu một số vùng trồng trên địa bàn tỉnh, hứa hẹn đây sẽ là cây xóa đói giảm nghèo cho bà con. Việc tận dụng lợi thế tự nhiên để phát triển cây dược liệu là một hướng đi đúng đắn của huyện Mường Tè. Đồng chí đã đề nghị các ngành chức năng chuẩn bị tổ chức ngay một Hội thảo chuyên sâu về loài sâm này, trong đó có mời các chuyên gia, những người tâm huyết trồng sâm trong tỉnh để bàn giải pháp phát triển cây dược liệu này xứng tầm với tiềm năng.
Được biết, Mường Tè là huyện nằm ở độ cao từ 900-1500m so với mặt nước biển, có diện tích rừng và đất rừng lớn, khí hậu mát mẻ quanh năm nên rất thuận lợi cho việc phát triển cây dược liệu. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, đặc biệt là sự hướng dẫn trực tiếp về chuyên môn, nghiệp vụ của các sở, ngành, trong những năm qua, nhờ có các chính sách hỗ trợ cho Nhân dân các xã từ các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất như chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình Nghị quyết 51 của HĐND tỉnh, các chính sách dịch vụ môi trường rừng… Nhân dân trên các xã trên địa bàn huyện đã tích cực đưa một số cây dược liệu có giá trị vào sản xuất, nhờ đó đã đem lại nguồn thu nhập cho người dân. Theo Báo cáo của UBND huyện Mường Tè, tính đến 30/11/2020, trên địa bàn huyện Mường Tè tổ chức triển khai thực hiện các mô hình, dự án trồng Sâm Lai châu (hay còn gọi là Tam thất) với diện tích 0,342 ha, kinh phí thực hiện 1.500 triệu đồng tại các xã Tá Bạ, Thu Lũm, Pa Vệ Sủ. Cùng với đó, một số doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thấy giá trị và tiềm năng phát triển của cây Sâm Lai Châu nên đã chủ động đầu tư, sưu tầm giống lấy từ trong rừng về và tiến hành nhân giống.
Theo chân Đoàn công tác đến vùng trồng sâm Lai Châu của một cá nhân đầu tư trồng khá bài bản tại xã Pa Vệ Sủ, huyện mường Tè, được chủ vườn cho biết: Nhờ đam mê trồng sâm, mong muốn bảo tồn, phát triển giống sâm Lai Châu quý hiếm và phát triển kinh tế gia đình, năm 2017, chủ vườn đã chủ động mua giống của người dân lấy từ trong rừng về và tiến hành nhân giống. Để đảm bảo chăm sóc đạt tiêu chuẩn, chủ vườn đã thuê cán bộ kỹ thuật ở Hà Nội lên chịu trách nhiệm trong chăm sóc và nhân giống. Thời gian đầu, thuê từ 40-50 nhân công để thực hiện các công việc như thu gom đất, dọn dẹp. Sâm Lai Châu có đặc điểm ưa ẩm, đất trồng sâm phải là đất tơi xốp, nhiều mùn, thoát nước, trồng ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển và trồng dưới tán rừng… Sau 4 năm nuôi trồng, tính đến thời điểm này, vườn đầu dòng về cây giống gốc bản địa của chủ vườn này có khoảng 4.000 cây; gieo nhân giống được khoảng 5.000 cây con. Tổng diện tích quy hoạch trồng 1ha, diện tích đã trồng 4.000 m2.
Những năm gần đây, nhu cầu trong nước và Quốc tế về dược liệu có nguồn gốc từ thảo dược để điều trị bệnh, bồi dưỡng sức khoẻ là rất lớn. Việc khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại được sử dụng rộng rãi. Theo một số tài liệu nghiên cứu, Sâm Lai Châu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới. Tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc. Thân rễ thường được dùng làm thuốc bổ, cầm máu, tăng cường sinh lực, chống stress. Lá, nụ hoa dùng làm trà uống có tác dụng kích thích tiêu hoá, an thần. Sâm Lai Châu có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng gần giống với tác dụng của nhân sâm. Trong thân rễ Sâm Lai Châu có saponin “MR2” chiếm tỉ lệ lớn, đặc trưng có trong Sâm Ngọc Linh. Chính vì vậy giá trị kinh tế trên thị trường của Sâm Lai Châu rất cao. Giá thu mua 01 kg sâm tươi giá trung bình 20 triệu đồng/kg, 01 kg sâm tươi 10 tuổi giá khoảng 50 triệu đồng, những lúc khan hiếm có thể lên tới 60-70 triệu đồng/kg.
Tuy nhiên, việc phát triển cây Sâm Lai Châu thời gian trước đây cơ bản theo hướng tự phát, khai thác từ tự nhiên, chưa hình thành được các khu sản xuất tập trung; ứng dụng khoa học và công nghệ trong trồng và khai thác cây dược liệu chưa được quan tâm đúng mức; chưa có đơn vị nào đứng ra tổ chức liên kết sản xuất, thu mua và chế biến sản phẩm cho người dân, chủ yếu là sơ chế thô…
Vì vậy, để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế; kêu gọi, thu hút đầu tư, liên kết sản xuất hàng hóa các cây dược liệu có giá trị… Ngày 11/12/2019, HĐND tỉnh Lai Châu ban hành Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND thông qua Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu; ngày 14/1/2020 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Do có lợi thế để phát triển cây sâm, thời gian qua nhiều tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước đã tiến hành khảo sát để có định hướng đầu tư. Đặc biệt Hiệp hội giao lưu văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc cùng Công ty TNHH Phú Thái Holdings (đối tác của KOVECA) đã tiến hành khảo sát, làm việc và ký nội dung hợp tác với UBND tỉnh Lai Châu.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng: Lai Châu xác định là một tỉnh miền núi, khó khăn, nhưng có nhiều tiềm năng và triển vọng để phát triển các loài cây dược liệu quý hiếm, trong đó có Sâm Lai Châu. Cùng với đó, Lai Châu được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là tỉnh có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thuộc tốp đầu cả nước. Hiện nay tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ giống các loại cây dược liệu quý, hiếm; hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình sản xuất nhân giống; hỗ trợ phát triển trồng dược liệu hàng hóa, chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới; hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết... và nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù khác nhằm thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cây giống dược liệu, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở chế biến gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm dược liệu Lai Châu… Với những tiềm năng sẵn có và những cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương, hi vọng rằng thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư triển khai các dự án Sâm trên địa bàn tỉnh góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả để phát triển dược liệu tập trung có giá trị kinh tế cao.